Nghĩa và đặc điểm của quá trình đô thị hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển và phân bố đô thị ở tỉnh sóc trăng (Trang 25 - 29)

Ý nghĩa của quá trình đô thị hóa

Quá trình ĐTH là một phạm trù lịch sử, thể hiện sự khác biệt giữa các quốc gia khác nhau và trong các giai đoạn khác nhau của cùng một đô thị do những sự khác biệt về điều kiện KT - XH.

Quá trình ĐTH luôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Quá trình CNH là động lực của quá trình đô thị hóa. ĐTH là điều kiện để gia tăng nhịp độ và hiệu quả của quá trình công nghiệp hóa.

ĐTH không chỉ biểu hiện phương hướng phát triển kinh tế khu vực trong một thời kì nhất định mà còn trong một quá trình phát triển của đô thị.

Đặc điểm của quá trình đô thị hóa

Tỉ lệ dân thành thị trên thế giới tăng nhanh

Bảng 1.1. Dân số và dân số đô thị ở nhóm các nước phát triển và đang phát triển 1950 - 2050

(Đơn vị: tỉ người)

Năm 1950 1975 2009 2016 2025 2050

Dân số thế giới 2,53 4,06 6,83 7,43 8,01 9,15

Các nước phát triển 0,81 1,05 1,23 1,26 1,28 1,28 Các nước đang phát triển 1,72 3,01 5,6 6,17 6,73 7,87

Dân số đô thị thế giới 0,73 1,51 3,42 4,03 4,54 6,29

Các nước phát triển 0,43 0,70 0,92 0,98 1,01 1,10 Các nước đang phát triển 0,30 0,81 2,50 3,05 3,52 5,19

Ở phần lớn các nước kinh tế phát triển, do quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm nên quá trình đô thị hóa cũng bắt đầu sớm. Đặc trưng cho quá trình đô thị hóa ở đây là nhịp độ gia tăng tỉ lệ dân thành phố tương đối cao và việc đẩy mạnh các quá trình hình thành các thành phố cực lớn (chùm đô thị, siêu đô thị). Ở các nước này, số dân thành thị chiếm tỉ lệ rất cao so với tổng số dân

Dân số đô thị trên thế giới, cũng như dân số đô thị của các nước kinh tế phát triển và của các nước đang phát triển đều tăng liên tục. Dân số đô thị của thế giới tăng từ 0,73 tỉ người (năm 1950) tăng lên 4,03 tỉ người (năm 2016). Dự báo năm 2050, dân số đô thị trên thế giới tiếp tục tăng lên đến 6,29 tỉ người. Trong đó, dân số đô thị của các nước kinh tế phát triển tăng từ 0,43 tỉ người (năm 1950) tăng lên 0,98 tỉ người (năm 2016), dự báo đến năm 2050 đạt 1,1 tỉ người, dân số đô thị của các nước đang phát triển tăng nhanh, tăng từ 0,3 tỉ người (năm 1950) tăng lên 3,05 tỉ người (năm 2016) và dự báo đến năm 2050 đạt 5,19 tỉ người.

Ở nước ta đang diễn ra quá trình đô thị hóa. Tỉ lệ số dân thành thị so với tổng số dân cả nước từ năm 1976 đến năm 1990: 20,6% (1976), 19,2% (1979, 19,9% (1985) và 19,8% (1989). Cho đến năm 2000, tốc độ tỉ lệ dân thành thị bắt đầu gia tăng nhanh chóng, lên 24,6% (2000), 27,5 % (2005), 30,6% (2010), 33,6% (2015). Theo số liệu điều tra dân số đến năm 2017 thì tỉ lệ đô thị hóa ở nước ta là 34,7%.

Các đô thị có thể là thành phố, thị xã, trung tâm dân cư đông đúc nhưng mức độ này thông thường không mở rộng đến các khu định cư nông thôn như làng, xã, ấp. Các đô thị được thành lập và phát triển thêm qua quá trình đô thị hóa, việc thống kê mật độ đô thị sẽ giúp cho việc phân tích mật độ dân số, sự mở rộng đô thị, và biết được các số liệu về dân số nông thôn và thành thị.

Dân cư tập trung vào các đô thị lớn và cực lớn

Năm 1800, chỉ 3% dân số thế giới là dân thành thị. Tới cuối thế kỷ 20, con số đã nhảy vọt lên 47%. Năm 1950, có 83 thành phố có số dân trên một triệu, tới năm 2007, con số đã là 468. Theo xu hướng này, dân số thành thị sẽ gấp đôi cứ sau 38 năm. Liên Hợp Quốc dự báo rằng dân số thành thị thế giới hiên nay là 3,2 tỉ có thể sẽ tăng lên gần 5 tỉ vào năm 2030, và cứ 5 người thì có ba người sống ở thành phố.

Dân số tập trung nhiều vào các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn và cực lớn. Số lượng các đô thị trên 1 triệu dân, 5 triệu dân ngày càng tăng. Dự đoán đến năm 2020 thế giới có thêm một số đô thị trên 20 triệu dân, năm 2050 là 6,29 tỉ dân thành thị.

Tuy nhiên, việc tăng dân số đô thị quá nhanh và việc dân số tập trung ngày càng đông trong các đô thị lớn và cực lớn đã gây ra sức ép rất lớn về các vấn đề phát triển KT - XH và môi trường.

Lãnh thổ đô thị không ngừng được mở rộng

Đô thị hóa làm diện tích các đô thị ngày càng được mở rộng. Diện tích các đô thị hiện nay là khoảng 3 triệu km2 (Hơn 2% diện tích lục địa và 13% diện tích đất canh tác nông nghiệp). Ở châu Âu và Hoa Kì, diện tích đô thị chiếm khoảng 5% diện tích lãnh thổ.

Việc mở rộng diện tích đô thị là do nhu cầu phải mở rộng hoặc xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp và dịch vụ. Các đô thị nhiều khi còn phải mở rộng ranh giới hành chính. Quá trình này làm cho các đô thị lớn lên và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Đồng thời với quá trình này, là quá trình chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp thành đất đô thị, gây ra những hậu quả tiêu cực như giảm diện tích đất gieo trồng trong nông nghiệp và làm suy thoái môi trường...

Phổ biến rộng rãi lối sống đô thị

Sự hình thành và phát triển lối sống đô thị tự bản chất nó là quá trình phức tạp và đa diện, mỗi thế hệ mới lại bắt đầu trải qua dần dần nắm bắt các đặc điểm, những chuẩn mực hành vi của thế hệ đi trước. Đồng thời, trong khi thể hiện điều kiện sống khách quan của con người và những bước tiến dài của cấu trúc xã hội thì thế hệ sau nói chung sẽ làm phong phú hơn lối sống đó.

Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, lối sống thành thị được phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng đến lối sống nông thôn. Lối sống thành thị được hiểu là lối sống có mức sống cao gắn với các hoạt động sản xuất công nghiệp, các hoạt động dịch vụ, gắn với thị trường, với các nhu cầu rất lớn về giao tiếp, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí... Hiện nay, lối sống và chất lượng cuộc sống giữa thành thị và nông thôn còn khá chênh lệch nhưng về một số mặt, lối sống của dân cư nông thôn đang nhích dần với lối sống của dân cư thành thị.

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn làm thay đổi các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của dân cư nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn. Mặc dù hoạt động nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ yếu trong kinh tế nông thôn nhưng tỉ lệ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng lên. Thậm chí, trong các hoạt động nông nghiệp cũng đã có sự thay đổi nhờ việc sử dụng nhiều máy móc và dịch vụ nông nghiệp do các đô thị cung cấp, làm cho số người lao động trực tiếp trong các hoạt động nông nghiệp giảm xuống.

Đô thị hóa và mạng lưới đô thị

Giữa đô thị hóa và sự phát triển, phân bố mạng lưới đô thị có mối quan hệ với nhau, điều này được thể hiện sau.

Theo từ điển bách khoa Việt Nam, mạng lưới đô thị là tập hợp các đô thị trong một nước hoặc một vùng cùng với mối liên hệ giữa các đô thị đó với nhau. (Từ điển, Việt Nam) Trong hệ thống đô thị thường bao gồm những đô thị lớn giữ vai trò trung tâm, các đô thị vừa và nhỏ có mối liên hệ phụ thuộc tương đối với các đô thị trung tâm. Về mặt chức năng, hệ thống gồm các đô thị có chức năng khác nhau: đô thị hành chính, đô thị cảng, đô thị công nghiệp, đô thị đầu mối giao thông, đô thị nghỉ ngơi, an dưỡng, đô thị du lịch...

Theo các quan niệm địa lí học thì đô thị hoá diễn ra tại khu vực trước đây không phải là đô thị, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp hoặc mạng lưới đô thị không ngừng mở rộng, hoạt động sản xuất và điểm dân cư ngày càng tập trung, khu vực đô thị hoá và dân số đô thị không ngừng gia tăng, tỉ trọng không ngừng nâng cao tức đô thị hoá theo chiều rộng.

Đô thị hoá diễn ra tại khu vực đô thị trước đây đã là đô thị, mật độ dân số và hoạt động kinh tế nâng cao, phương thức tựu nghiệp và hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng, thực lực khoa học công nghệ ngày càng tăng cường, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường ngày càng cao. Sự chuyển hoá tính chênh lệch trong nội bộ khu vực đô thị này về thời gian và không gian do đó trở thành một bộ phận của đô thị hoá tức đô thị hoá theo chiều sâu.

Phân kỳ các giai đoạn phát triển của ĐTH

Thời kỳ tiền công nghiệp (trước thế kỷ XVIII) Đô thị hóa phát triển mang đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp, các đô thị phân tán, quy mô nhỏ phát triển theo dạng tập trung, cơ cấu đơn giản, tính chất đô thị chủ yếu là hành chính, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đô thị thời kỳ này phát triển chậm, bố cục thành phố lộn xộn, phát triển tự phát thiếu quy hoạch, môi trường đô thị chưa hợp lí.

Thời kỳ công nghiệp (Thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX) Cuộc cách mạng công nghiệp làm cho nền văn minh đô thị phát triển nhanh chóng. Sự tập trung sản xuất và dân cư tạo nên những đô thị lớn và cực lớn, các công nghiệp phát triển mạnh, các khu nhà ở mọc lên rất nhanh bên cạnh các khu vực sản xuất. Cơ cấu đô thị phức tạp hơn, thành phố mang nhiều chức năng khác nhau như: thủ đô, thành phố cảng, thành phố công nghiệp, thành phố du lịch… Đặc trưng của thời kỳ này là sự phát triển thiếu kiểm soát của các thành phố.

Thời kỳ hậu công nghiệp: Cơ cấu sản xuất và phương thức sinh hoạt của đô thị đã có nhiều sự thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học. Không gian đô thị có cơ cấu tổ chức phức tạp, quy mô lớn. Hệ thống tổ chức dân cư đô thị phát triển theo kiểu cụm, chùm và chuỗi. Đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỉ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỉ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian. Nếu tính theo cách đầu thì nó còn được gọi là mức độ đô thị hóa, còn theo cách thứ hai, nó có tên là tốc độ đô thị hóa. Đô thị hóa là quá trình phát triển rộng rãi lối sống thị thành thể hiện qua các mặt dân số, mật độ dân số, chất lượng cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển và phân bố đô thị ở tỉnh sóc trăng (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)