Kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển và phân bố đô thị ở tỉnh sóc trăng (Trang 55 - 59)

Dân số và sự gia tăng dân số

Dân số và sự gia tăng dân số có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mạng lưới đô thị nói riêng, và là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá quá trình phát triển đô thị.

Sóc Trăng là tỉnh có dân số thuộc mức thấp ở ĐBSCL. Cuối năm 1991, khi tái lập tỉnh, dân số Sóc Trăng là 1.067.167 người. Năm 1995, dân số tỉnh là 1.149.485 người. Năm 2000, dân số Sóc Trăng đạt 1.191.300 người. Theo Tổng cục Thống kê, năm, 2016 là 1.312.490 người, đứng thứ 7/13 ở khu vực ĐBSCL.

Dân số tăng chủ yếu là gia tăng tự nhiên. Những năm 90 của thế kỷ XX, tỉ lệ gia tăng tự nhiên của tỉnh khá cao trên 2%/năm (năm 1992: 2,14%, năm 1993: 2,11%, năm 1994: 2,06%). Nguyên nhân chủ yếu khiến dân số tăng nhanh là mức sinh cao (năm 1992: 2,5%, năm 1993: 2,5%). Từ năm 1995 về sau, tốc tộ gia tăng dân số giảm rõ rệt (năm 1995: 2,0%, năm 2005: 1,3%, năm 2015: 0,81%). Nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình, dẫn đến tỉ lệ gia tăng tự nhiên xuống thấp (năm 2016: 0,68%).

Nguồn: (Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, 2016)

Hình 2.1. Biểu đồ dân số và tỉ lệ gia tăng dân số tỉnh Sóc Trăng năm 2005 - 2016

Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp

Theo quy luật khách quan, đô thị hóa phải bắt nguồn từ phát triển nền kinh tế phi nông nghiệp (công nghiệp, thương mại, dịch vụ...) dần dần thay thế cho nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, khác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đô thị hóa của nước ta có đặc điểm là quá trình đô thị hóa nông thôn thành thành thị, không gắn liền với quá trình CNH mà ĐTH phát triển còn mang tính tự phát.

Năm 2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 820.900 lao động, cơ cấu lao động năm 2016 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 59%, công nghiệp và xây dựng là 15%, dịch vụ là 26%.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ đã làm gia tăng nhanh số lượng lao động trong các ngành này, làm thay đổi nhanh chóng tỉ lệ lao động phi nông nghiệp.

Trong đó, đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật, công nhân lành nghề tăng khá nhanh phù hợp với nền kinh tế mở. Đội ngũ lao động trong tỉnh có khả năng tham gia hợp tác lao động quốc tế.

Số lượng lao động hoạt động trong ngành công nghiệp và dịch vụ tập trung ở các đô thị tăng đã làm nâng cao đời sống của người dân, nhất là dân cư thành thị. Thu nhập bình quân của người dân đô thị cao hơn nhiều so với thu nhập ở nông thôn.

Cơ cấu lao động phân theo các nhóm ngành kinh tế có sự khác nhau giữa các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh, vì vậy đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư thành thị.

Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động tương đối nhanh, nguyên nhân là do sức hút từ khu công nghiệp, đô thị hóa trên địa bàn thành phố đã thu hút thanh niên từ nông thôn chuyển sang làm việc trong khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Nguồn lao động

Sóc Trăng có dân số trẻ nên nguồn lao động dồi dào. Dân số trong độ tuổi lao động năm 2016 là 818.142 người (chiếm 62,16% tổng số dân số). Trong đó nam có 434.218 người, chiếm 53,07%, nữ có 383.924 người, chiếm 46,93%. Khu vực thành thị có 213.149 người, chiếm 26,05%, nông thôn có 604.993 người, chiếm 73,95%.

Trong đó, số người thuộc nhóm tuổi từ 15 -39 tuổi có 541.846 người, chiếm 66,23% so vơi tổng số dân số trong độ tuổi lao động (Báo cáo sở Lao động, 2016).

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi là 79,27% so với tổng dân số trong độ tuổi lao động, trong đó khu vực thành thị là 158.993 chiếm 74,59% so với tổng dân số khu vực thành thị trong độ tuổi lao động, khu vực nông thôn là 489.519 người, chiếm 80,91% so với tổng dân số khu vực nông thôn trong độ tuổi lao động (Báo cáo sở Lao động, 2016).

Tốc độ tăng trưởng dân số thành thị trong những năm gần cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dân số nông thôn. Nguyên nhân của hiện tượng này là sự gia tăng cơ học, chủ yếu là sự chuyển cư từ nông thôn ra thành thị trong phạm vi của tỉnh. Quá trình chuyển cư này được giải thích dựa trên các yếu tố sức hút của các yếu tố KT - XH đô thị như là khu vực có thể tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao, có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, chất lượng cuộc sống cao.

Trong quá trình ĐTH, ngành công nghiệp và dịch vụ đang thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn và lao động các hộ nông nghiệp, nhất là ở TP. Sóc Trăng và các địa phương có khu công nghiệp như thị xã Ngã Năm, Vĩnh Châu, xu hướng hoạt động đa dạng hóa ngành nghề của lao động cũng ngày càng tăng. Trong thời gian nông nhàn, người lao động có xu hướng tham gia nhiều hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, nhất là ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp thấp, vùng ven thành thị, khu vực xung quanh các khu công nghiệp.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Giảm dần lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, Sóc Trăng cũng là tỉnh có chất lượng lao động thấp, với 9,8% lao động đã qua đào tạo, số lượng lao động nông thôn cao nhưng có trình độ văn hóa thấp và không được đào tạo cơ bản. Điều này càng đòi hỏi tỉnh cần có những biện pháp đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng lao động trong quá trình CNH và ĐTH.

Nguồn: (Tổng Cục Thống kê Việt Nam, 2016)

Hình 2.2. Biểu đồ tỉ lệ lao động đã qua đào tạo vùng ĐBSCL năm 2016

Xét theo độ tuổi, Sóc Trăng có kết cấu dân số trẻ. Nhóm người dưới 15 tuổi chiếm tỉ lệ cao, nhóm người từ 60 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ thấp. Dân số trong độ tuổi lao động luôn chiếm khoảng 59% dân số của tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển và phân bố đô thị ở tỉnh sóc trăng (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)