Thị trường tiêu thụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 68 - 69)

Thị trường là một lợi thế để phát triển NNĐT theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhu cầu của thị trường của Thành phố, trong nước và quốc tế đã giúp xác định được số lượng, chủng loại và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.

- Thị trường nội địa: Việt Nam là nước đông dân với khoảng 95 triệu người, chiếm khoảng 1,27% tổng dân số thế giới (2017). ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của nước ta với dân số là 17.738 nghìn người (TP. Cần Thơ là 1.272,8 nghìn người), trong đó TP. Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) của vùng. Phát triển NNĐT ngoài việc đáp ứng nhu cầu về lương thực – thực phẩm của Thành phố, của các tỉnh ĐBSCL mà còn các tỉnh khác của cả nước, trong đó quan trọng nhất là TP. Hồ Chí Minh. Nông sản của Cần Thơ cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện nay là gạo, heo hơi, trái cây, rau quả; cho các tỉnh ĐBSCL là các sản phẩm qua chế biến như bia, nước ngọt. Năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ thương mại của TP. Cần Thơ trên 106.041 tỷ đồng (chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội). Nhiều siêu thị lớn của các công ty đa quốc gia đã có mặt tại Cần Thơ như: Big C, NM Mega Market, Lotte Mart…

TP. Cần Thơ cũng là địa phương có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển mạnh nhất vùng ĐBSCL. Thành phố có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (nước mắm, thủy sản đông lạnh, xay sát gạo, rau quả...) và đồ uống (bia, nước ngọt) nên nhu cầu nguyên liệu nông nghiệp cung cấp cho các cơ sở này cũng rất lớn.

TP. Cần Thơ cũng đón một lượng khách khá lớn trong và ngoài nước mỗi năm. Trên địa bàn Thành phố hiện có 5.940 doanh nghiệp, trong đó có 5.876 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 35 doanh nghiệp nhà nước địa phương; có 107 chợ và 18 siêu thị, trung tâm thương mại; với 6.862,05 nghìn lượt khách du lịch trong ngày và 1.879,22

nghìn khách lưu trú qua đêm. Chưa kể một số lượng không nhỏ học sinh, sinh viên, lao động thời vụ di cư về đây để học tập, tìm kiếm việc làm. Vì vậy việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thành phố lại càng trở nên cấp bách.

- Thị trường xuất khẩu: Thị trường nước ngoài ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm chính dùng cho xuất khẩu là gạo, thủy sản chế biến đông lạnh, rau, quả, củ, thịt gia súc – gia cầm chế biến...Các mặt hàng nông thủy sản chiếm tỷ lệ khoảng 64% giá trị xuất khẩu chung của Thành phố. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu:

Gạo: Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Trung Đông; Thủy sản: Nhật, Asean, Cộng đồng Châu Âu, Bắc Mỹ, Hồng Kông, Úc; Các nông sản khác: Trứng muối, nấm rơm...Hồng Kông, Đài Loan....Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ gần 1.769 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa là 1.399 triệu USD, dịch vụ thu ngoại tệ gần 370 triệu USD với 2 mặt hàng chủ lực chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào chế biến nông sản, thủy sản chưa nhiều chưa mạnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 68 - 69)