Đánh giá chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 129 - 134)

a. Thành tựu đã đạt được

-NNĐT ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ trong quá trình CNH và ĐTH (cung cấp LLTP, nguyên liệu cho CN chế biến, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân đô thị…)

-Tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp tăng trong suốt thời kỳ và giai đoạn sau tăng nhanh hơn giai đoạn trước: từ 0,9%/năm (thời kỳ 2007 - 2011) lên 1,5%/năm (thời kỳ 2012 - 2017), giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng đạt 11.575 tỷ đồng (2017) gấp 446 lần so với giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp và gấp 39 lần so với giá trị sản xuất của ngành thủy sản (2017).

-Ngành chăn nuôi phát triển mạnh là chăn nuôi lợn thịt, bò thịt và gia cầm. Tổng đàn một số loại vật nuôi tăng khá nhanh nhờ đã ứng dụng kịp thời, nhất là về giống và công nghệ nuôi.Sản lượng thịt, trứng gia cầm tăng mạnh phục vụ tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Tóm lại, ngành chăn nuôi Thành phố trong 10 năm qua đã có những thay đổi theo hướng ngày càng phù hợp với điều kiện của một đô thị loại I: Tăng trưởng ngày càng khá và ổn định, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng phù hợp với điều kiện của đô thị. Lợi thế về thị trường, khoa học công nghệ, vốn tài chính, vốn xã hội đang được nghiên cứu và khai thác ngày càng có hiệu quả hơn.

-Ngành trồng trọt giữ vị trí hàng đầu trong giá trị sản xuất nông nghiệp, chiếm 82,8% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Cây lương thực chiếm 82% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Các loại rau, đậu các loại đã thực hiện sản xuất rau an toàn theo quy trình RAT theo VietGap trên vùng chuyên canh rau của Thành phố. Cây ăn

quả chiếm trên 90% tổng diện tích cây lâu năm. Nhìn chung, trồng trọt ở TP. Cần Thơ tuy có tăng khá nhanh và ổn định. trồng trọt đã có những đóng góp đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thành phố và vùng lân cận cũng như xuất khẩu. Ngành trồng trọt đã có những chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị. Đã tổ chức được một số hình thức tổ chức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế.

-Đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây, con theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị trên cơ sở tận dụng các lợi thế về điều kiện sản xuất từ đó cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

-Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá phát huy hiệu quả sử dụng tổng hợp các lợi thế như vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa – màu, lúa – NTTS, vùng cây ăn trái...góp phần đáng kể vào xuất khẩu.

-TP. Cần Thơ cũng đã xây dựng được nhiều mô hình trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho cộng đồng và nâng cao thu nhập cho người dân. TP. Cần Thơ đã và đang tạo nhiều thương hiệu du lịch miệt vườn, du lịch sông nước như mô hình trồng dâu Hạ Châu – H.Phong Điền; Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề (H.Phong Điền); Khu du lịch sinh thái Việt Nam Min, Cồn Sơn (Q.Bình Thủy), Vườn cò Bằng Lăng (Q.Thốt Nốt)….

-Ngành nuôi trồng thủy sản của TP. Cần Thơ phát triển mạnh, đã xây dựng được nhiều mô hình NTTS cho hiệu quả cao (lúa – cá, lúa – tôm càng xanh, nuôi chuyên cá rô, lóc, trê, rô phi trong ao, nuôi cá – tôm trong mương vườn) và rất cao (nuôi cá tra, basa trong ao và trong lồng, bè), phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng, khá bền vững về môi trường, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thủy sản Thành phố đang có sự chuyển biến khá tích cực và ngày càng hiệu quả hơn. Mặc dù diện tích nuôi trồng giảm nhưng sản lượng và giá trị sản xuất tăng là nhờ đã lựa chọn loài, giống và hình thức tổ chức có hiệu quả hơn. Sự chuyển dịch trên là phù hợp với điều kiện, lợi thế của đô thị.

-Các hình thức tổ chức lãnh thổ không gian sản xuất phát triển đa dạng và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tính đến năm 2017, TP. Cần Thơ có 43 trang trại, 128

HTX và đang quy hoạch xây dựng 03 khu NNCNC (Khu NNCNC 1, Khu NNCNC 2, Khu NNCNC 3) và 5 vùng sản xuất chuyên canh: nuôi cá tra (144 ha), cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái (500 ha), rau an toàn (750 ha), hoa kiểng (60 ha) và vùng nông nghiệp đô thị (Q.Ninh Kiều, Q.Cái Răng, Q.Bình Thủy, huyện Phong Điền – 60 ha). TP. Cần Thơ cũng hình thành nên các vành đai xanh vòng quanh Thành phố tạo nguồn cung cấp thực phẩm, rau quả dồi dào và cây cảnh đa dạng phong phú.

b. Những tồn tại cần khắc phục

- Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp còn chậm, thấp và chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của Thành phố. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp phát triển không đều, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Tính tự phát, làm ăn nhỏ lẻ của nông hộ chưa theo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị và sức cạnh tranh còn thấp. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong ứng dụng công nghệ cao còn ít.... là những nguyên nhân chính dẫn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật bị hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất của NNĐT ở TP. Cần Thơ.

- Trong phát triển trồng trọt là triển khai chương trình phát triển rau, hoa, cây cảnh và đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa còn chậm, sản xuất cây có múi còn chưa khắc phục triệt để được bệnh Greening, chất lượng trái cây chưa đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, mưa trái mùa và nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi bất thường... đã ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả cây trồng.

- Trong phát triển chăn nuôi là quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, khó khăn về mặt bằng nuôi, nhất là nuôi với quy mô lớn; chưa chủ động khâu thức ăn, chưa có các khu chăn nuôi tập trung, xử lý và sử dụng chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Chưa kiểm soát chủ động được dịch bệnh. Giá thành chăn nuôi còn cao, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh bị cạnh tranh gay gắt bởi chăn nuôi ở Đông Nam Bộ.

- Trong phát triển NTTS hiện nay là Thành phố chưa kiểm soát được tình hình phát triển, nhất là phối hợp đồng bộ giữa phát triển nuôi trồng với dịch vụ kỹ thuật, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng và dịch bệnh; còn yếu kém trong khâu sản xuất giống, nhất là giống tôm càng xanh. Chưa đồng bộ giữa phát triển nuôi trồng với xây dựng cơ sở chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Kinh tế tập thể tuy có bước phát triển nhưng chưa mạnh, chưa nhiều trong khi kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn phổ biến, đất đai manh mún còn nhiều, trình độ lao động ở khu vực nông nghiệp còn ở mức thấp. Thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào chế biến nông sản thủy sản chưa nhiều chưa mạnh.

Tiểu kết chương 3

Chương 3 đã giải quyết được một số nội dung cơ bản về phát triển nông nghiệp ở TP. Cần Thơ trong bối cảnh đô thị hóa của Thành phố giai đoạn 2007-2017. Đã bình luận mức độ phát triển của nó theo hướng nông nghiệp đô thị với những nội dung cơ bản sau:

Đã kiểm kê và phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị TP. Cần Thơ trên cơ sở dữ liệu được công bố bởi Cục thống kê TP. Cần Thơ, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan ban ngành có liên quan. Tuy nông nghiệp Thành phố trong 10 năm qua tăng trưởng thấp và chưa ổn định nhưng đã có những đóng góp đáng kể về nhiều mặt cho kinh tế - xã hội.

Cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhìn chung có sự chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị nhưng còn rất chậm chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa mang những nét đặc trưng của nông nghiệp đô thị. Một số loại cây, con phù hợp với điều kiện đô thị và cho hiệu quả kinh tế cao (gà trong gia cầm, rau, đậu, cây cảnh trong cây trồng...) đang được chú trọng phát triển nhưng chưa cho hiệu quả kinh tế cao và chưa ổn định.

Một số hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành và đang được chú trọng đầu tư phát triển (Cánh đồng mẫu lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao...).

Đã hình thành một số vùng chuyên canh, vành đai nông nghiệp xung quanh thành phố và bước đầu tận dụng, khai thác được các thế mạnh của Thành phố.

Chương 4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ĐẾN NĂM 2030

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 129 - 134)