Thực trạng phát triển (Thực tiễn)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 141 - 147)

- Điểm mạnh

TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm ĐBSCL, là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH.Vị trí địa lý thuận lợi cho việc thông thương trong và ngoài nước bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

TP. Cần Thơ có dân số đông, nguồn lao động dồi dào và chất lượng lao động tốt hơn so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, chi phí lao động thấp. Nông dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất hàng hóa, trồng và cung cấp nhiều loại nông sản quanh năm và có khả năng thích nghi với các điều kiện và đòi hỏi mới trong sản xuất nông nghiệp.

TP. Cần Thơ tập trung nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đội ngũ cán bộ KHKT bậc nhất so với các tỉnh ĐBSCL, có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp và nhiều loại cây trồng chủ lực. Thành phố là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến, các khu – cụm công nghiệp…thuận lợi để tiêu thụ và chế biến nông sản.

TP. Cần Thơ có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới. Địa hình bằng phẳng, khí hậu tương đối ôn hòa, ít thiên tai, có 2 mùa mưa nắng, nhiều sông ngòi kênh rạch, nước ngọt quanh năm, đất đai chủ yếu là đất phù xa…

Nông nghiệp vẫn giữ đc vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH của thành phố, với quy mô và giá trị sản xuất ngày càng tăng, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Cần Thơ.

Chăn nuôi đang được đầu tư về giống, KHKT cũng như quy trình chăn nuôi hiện đại… có xu hướng tăng. Thành phố phát triển mạnh là chăn nuôi gia súc (heo thịt, bò thịt), chăn nuôi gia cầm và các sản phẩm từ chăn nuôi với một số mặt hàng xuất khẩu chính như trứng muối, lông vũ, thịt heo đông lạnh….

Ngành trồng trọt đang phát triển mạnh nhóm cây trồng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao như cây lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả…vừa phù hợp với môi trường đô thị, vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một số hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành và phát triển mạnh như cánh đầu mẫu lớn, các vùng chuyên canh…đã bước đầu khai thác được thế mạnh của thành phố.

- Điểm yếu

Các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu và chưa đồng bộ: đất đai, lao động, vốn, KHKT, cơ sở hạ tầng…sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, đó là:

TP. Cần Thơ có vị trí khá gần với các tỉnh và Thành phố lân cận, nhưng sức hút và vị thế “cạnh tranh” chưa cao. Nông sản thành phố chịu sự cạnh tranh đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt nằm cạnh TP.HCM nên phải cạnh tranh một số mặt hàng nông sản như gạo, heo hơi, trái cây, rau quả…

Lao động có trình độ ứng dụng KHKT còn thấp, phân bố không đều. Năng xuất lao động thấp, hiệu quả không cao, thời gian nông nhàn còn lớn. Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển NNĐT, nông nghiệp ứng dụng công nghệ

cao; ứng dụng KHCN trong sản xuất NNĐT còn chậm và ít nhạy bén với cơ chế thị trường.

Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh một số sản phẩm nông sản chưa cao, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào chế biến nông - thủy sản chưa nhiều, chưa mạnh.

Vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ (5,62%) trong vốn đầu tư toàn xã hội, các nguồn đầu tư chủ yếu nông dân và ngân sách nhà nước. Việc kêu gọi vốn liên doanh, liên kết khác đang gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong nông nghiệp lớn, chưa có sự hợp tác hiệu quả giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, vai trò, hiệu quả quản lý của nhà nước chưa cao, chưa đủ các chính sách thực sự khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện nhưng quy mô còn nhỏ, thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt thủy lợi, giao thông nội đồng, điện và hệ thống cơ sở cải tiến nông sản. Quá trình CNH – ĐTH ở TP. Cần Thơ làm cho diện tích đất nông nghiệp giảm, nguy cơ ô nhiễm môi trường đô thị tăng….

Khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thành phố luôn trong tình trạng mùa khô thiếu nước, mùa mưa gây ngập úng, gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên khó khăn trong việc bảo quản nông sản vào mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện dễ phát sinh lây lan dịch bệnh.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp và chậm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp còn mất cân đối. TP. Cần Thơ chú trọng khá nhiều vào phát triển mạnh ngành trồng trọt, đặc biệt là cây lương thực, mức độ đầu tư về đất đai, lao động, tài chính còn khá cao. Trong khi giá trị sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác đầu tư còn thấp. Dịch vụ nông nghiệp vẫn còn rất nhỏ bé cả về quy mô và tỷ trọng, không đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực sản xuất.

Chăn nuôi chưa tương xứng với ngành trồng trọt, thức ăn chăn nuôi chủ yếu là nguồn thức ăn nhập khẩu; xử lý và sử dụng chất thải trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Chưa chủ động kiểm soát được dịch bệnh, chi phí chăn nuôi còn cao.

Các sản phẩm tiêu thụ trong địa bàn chưa được quan tâm đúng mực, ít có chiến lược về thị trường, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến đang có xu thế giảm làm cho các nhà máy chế biến có nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Sản xuất nông nghiệp chưa sử dụng hiệu quả các chính sách, KHCN, thương hiệu, nhân lực…nên mức độ khai thác và hiệu quả không cao, cơ cấu nguồn nhân lực sử dụng trong nông nghiệp còn nhiều bất cập.

Tình hình sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, chưa sát yêu cầu thực tế, hiệu quả kinh tế thấp và chưa ổn định. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa mang được nét đặc trưng của NNĐT ở TP. Cần Thơ.

Kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, các kinh tế hợp tác khác vẫn còn là hình thức, vấn đề hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hầu như chưa được hoàn thiện.

Các mô hình tổ chức lãnh thổ NNĐT ở TP. Cần Thơ hoạt động chưa hiệu quả. Chưa có sự liên kết giữa các trang trại, HTX và các hình thức tổ chức với nhau cũng như các doanh nghiệp thu mua các sản phẩm nông nghiệp, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm.

- Cơ hội

Các chính sách lớn của chính phủ như: Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng chính phủ và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Thông tư số 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng chính phủ về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản. Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 và 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Tăng cường các nguồn lực đầu tư nước ngoài sẽ mang đến cho thành phố những nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp như vốn, KHKT, máy móc thiết bị, trình độ quản lý để tăng cường năng lực đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hàng hóa nông sản ở tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.

Tăng năng xuất, giảm giá thành, đảm bảo về số lượng và chất lượng, mẫu mã, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế.

Cơ hội liên doanh, liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các lĩnh vực đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện đại sẽ giúp TP. Cần Thơ có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề người lao động, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường thương mại.

Các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp như chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, HTX, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chính sách khuyến nông, chính sách phát triển nông nghiệp…đã và đang thật sự là cơ hội đối với ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ.

Nông nghiệp Thành phố đang có cơ hội lớn để tiếp cận ngày càng nhiều những tiến bộ KHCN trong nông nghiệp được ứng dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao như giống mới, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, điện khí hóa, công nghệ sinh học…

Giá cả và thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản (trái cây, thịt đông lạnh, gạo…) đang có xu hướng tăng ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các quy định của chính phủ và ngành nông nghiệp về quản lý sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, quy chế chứng nhận quy trình tiến hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GAP)…có thể xem là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ.

Tiến trình hội nhập quốc tế của của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ như ASEAN, WTO…Mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản gia tăng cũng là cơ hội và thách thức đối với phát triển nông nghiệp của TP. Cần Thơ .

Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã mở ra hướng phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Theo đó, các cây trồng, vật nuôi các ngành hàng chủ lực đều được định hướng và có những giải pháp cụ thể.

- Thách thức

Phát triển NNĐT là vấn đề rất mới đối với TP. Cần Thơ, đặc biệt các Nghị định hướng dẫn cơ chế chính sách phát triển NNĐT chưa được ban hành cụ thể, nguồn nhân lực phát triển NNĐT, nông nghiệp UDCNC còn thiếu, phát triển NNĐT là hoàn toàn đúng đắn nhưng triển khai thực hiện thành công thật sự là thử thách rất lớn.

Sản phẩm nông sản phục vụ trong nước và xuất khẩu đều đòi hỏi vượt qua rào cản kỹ thuật với các quy trình ngày càng khắt khe. Trong khi phần lớn nông sản TP. Cần Thơ chưa được sản xuất theo quy chuẩn, chưa có thương hiệu, đa phần nông sản xuất khẩu ở dạng thô.

NNĐT đạt được quy định quản lý sản xuất an toàn thực phẩm, quy chế chứng nhận quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GAP) có thể xem là cơ hội và thách thức đối với phát triển NNĐT ở TP. Cần Thơ

Cơ chế, chính sách của nhà nước, các sở, ban, ngành còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc áp dụng phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Giá cả thị trường không ổn định, luôn biến động làm người nông dân sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn, bấp bênh trong sản xuất. Giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, giá nhân công nông nghiệp còn thấp, giá sản phẩm nông nghiệp giảm…làm giảm lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản.

Tiến trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với phát triển nông nghiệp TP. Cần Thơ. Trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực, sức ép giá cả, cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nông sản các nước có nhiều điểm tương đồng với hàng nông sản nước ta đang là trở ngại lớn.

Các khu công nghiệp, đô thị sẽ dần lấp đầy, các nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động nhiều, nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp đô thị.

Thời tiết phức tạp, dịch bệnh bùng phát (heo tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc, cúm gia cầm, bệnh đạo ôn, vàng lá…đối với trồng trọt) luôn ảnh hưởng đến giá cả, năng xuất, sản lượng và chất lượng nông sản của ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ.

Ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng luôn tiềm ẩn, gây tổn thất khó lường đối với nông nghiệp thành phố.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố cần thơ (Trang 141 - 147)