Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác bồi dưỡng GV của Ngành; đường lối, chủ trương và định hướng phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước và địa phương. Đây là các yếu tố cốt lõi giúp đảm bảo sự thống nhất và tính pháp lý của hoạt động này giữa các trường trong huyện. Tuy nhiên, yếu tố này cũng có sự bất lợi là hạn chế được tính tự chủ của nhà trường, của giáo viên. Khung chương trình đào tạo và kế hoạch dạy học năm học luôn đặt giáo viên trong tình trạng lệ thuộc và chạy theo chương trình nên không thể dành nhiều thời gian để sáng tạo và chuẩn bị tốt cho từng bài dạy của mình. Một số nội dung bồi dưỡng còn mang tính hình thức và gây thêm nặng nề cho giáo viên trong hoạt động dạy học hằng ngày.
Sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ,...đây là những điều kiện và cũng là những yêu cầu của sự phát triển nguồn nhân lực. Kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ,...là yếu tố hỗ trợ để việc bồi dưỡng NLSP cho giáo viên được thuận lợi, đồng thời đây cũng là những cơ sở để nhà trường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng ngược lại yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ tại địa phương mình.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, kinh phí, thời lượng dành cho công tác bồi dưỡng GV,...đây là những điều kiện giúp cho hoạt động bồi dưỡng NLSP cho GV diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Ngược lại, nếu cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí không đáp ứng thì sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng. Xét về thời lượng, hoạt động bồi dưỡng còn bị chi phối nhiều về thời gian làm việc, vì một tuần giáo viên phải dạy đúng theo chương trình quy định đồng thời phải dành thời gian phụ đạo học sinh, tham gia phong trào và hội họp thường xuyên nên thời gian dành cho hoạt động bồi dưỡng không nhiều. Do đó, việc cân đối và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc của giáo viên cũng là một bài toán dành cho các nhà quản lý trường học.
Tiểu kết Chương 1
Quản lý hoạt động bồi dưỡng NLSP cho GV hiện nay đang là vấn đề được các cấp quản lý giáo dục trên thế giới quan tâm. Điển hình là các nước có nền giáo dục phát triển như Phần Lan, Nhật Bản, Đức, Singapore,...
Hoạt động bồi dưỡng ở các nước này chủ yếu phát triển theo hướng phát huy tính tự chủ trong các nhà trường, sự phối hợp bồi dưỡng tại các nhà trường và năng lực tự nghiên cứu của người giáo viên.
Ở trong nước, hoạt động bồi dưỡng NLSP cho GV hiện nay đang được các cơ sở đào tạo GV quan tâm, thể hiện ở việc ngày càng có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu và các hội thảo về bồi dưỡng NLSP cho GV. Tuy nhiên, hiện nay, đối với cấp TH, chưa có một hoạt động nào nghiên cứu một cách hoàn chỉnh về NLSP và hệ thống các yếu tố của NLSP cần bồi dưỡng cho người GVTH.
Về phía luận văn, hiện nay ở cấp TH chưa tìm thấy luận văn nào nói về quản lý hoạt động bồi dưỡng NLSP cho GV, mặc dù ở các cấp học khác thì nội dung này được nghiên cứu khá nhiều. Đa số các luận văn liên quan đến đề tài này chủ yếu nói về hoạt động bồi dưỡng đội ngũ GV, hoạt động bồi dưỡng GVTH theo chuẩn nghề nghiệp và hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho GV.
Như vậy, để hoạt động bồi dưỡng NLSP cho GVTH đạt hiệu quả thì phương pháp, hình thức bồi dưỡng GV cần được thực hiện theo hướng đổi mới, tích hợp đảm bảo tính phân hóa theo hướng phát huy tối đa tiềm năng của từng người.
Đồng thời, nội dung bồi dưỡng phải đảm bảo tính hiệu quả, tinh giản, tăng tính thực hành, nâng cao khả năng vận dụng vào thực tiễn, tập trung vào giáo dục nhân cách nhà giáo và hình thành văn hóa sư phạm cho mỗi đơn vị.
Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC SƯ PHẠM CHO GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH,
TỈNH SÓC TRĂNG