chuyên môn, nghiệp vụ trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bao gồm khả năng tổ chức bữa ăn, tổ chức giấc ngủ, rèn luyện vệ sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường mầm non. Ngoài ra, công tác quản lí hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ còn có vai trò trong việc tạo điều kiện thuận lợi giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất, nâng cao sức đề kháng và khả năng thích ứng với biến đổi của môi trường xung quanh. Đặc biệt, công tác quản lí hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non còn có vai trò quan trọng trong việc khắc phục kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong sự phát triển thể chất trẻ, góp phần nâng cao chất lượng niềm tin, sự uy tín nhà trường.
1.4.2. Các chức năng quản lí hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mầm non non
* Xây dựng kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ:
Kế hoạch hóa là một chức năng quan trọng của công tác quản lí trường mầm non, vì lập kế hoạch chính là soạn thảo và thông qua những quyết định quản lí quan trọng nhất. Công tác này đòi hỏi Hiệu trưởng phải quan tâm đầy đủ các loại kế hoạch như: Kế hoạch được xây dựng theo sự chỉ đạo của cấp trên, của Sở, Bộ GD- ĐT. Kế hoạch thể hiện mục tiêu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ rõ ràng từ đầu năm học. Xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chăm sóc nuôi dưỡng trẻ rõ ràng. Đưa ra dự báo về nhu cầu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong nhà trường. Kế hoạch được xây dựng sát với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu điều kiện nhà trường. Kế hoạch được xây dựng cụ thể theo định kỳ và thể hiện rõ thời gian, thời lượng thực hiện. Xây dựng kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, kế hoạch tổng thể, kế hoạch bộ phận, kế hoạch cá nhân, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến kế hoạch năm học. Kế hoạch năm học là sự cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ năm học với các mục tiêu và biện pháp rõ ràng, đó cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch của từng bộ phận, từng cá nhân.
Xây dựng kế hoạch năm học là khâu đầu tiên của một quy trình quản lí nhưng lại là khâu quan trọng nhất. Toàn bộ nội dung, chương trình hoạt động của nhà trường là nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra. Vì thế, xây dựng kế hoạch có chất lượng và có tính khả thi là một yêu cầu bắt buộc đối với Hiệu trưởng trường mầm non.
Từ đó, kế hoạch bao gồm: kế hoạch thực hiện chế độ ăn, ngủ, vệ sinh cho trẻ hằng ngày, hằng tuần; Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch đảm bảo vệ sinh đồ dùng đồ chơi, môi trường hoạt động của các nhóm, lớp; Xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan y tế của địa phương để thực hiện việc khám sức khỏe, tiêm chủng và phòng dịch cho trẻ; Xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch theo dõi sự phát triển của trẻ; Có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phòng dịch bệnh cho trẻ và xử trí ban đầu một số tai nạn thường gặp ở trường mầm non; Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức cơ bản về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ cho phụ huynh; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các trường mầm non với các tổ chức xã hội để huy động các nguồn lực tham gia chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, vui chơi cho trẻ.
* Tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ:
Phối hợp với các bộ phận trong nhà trường thực hiện các nội dung chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhân viên cấp dưỡng thực hiện quy trình chế biến 1 chiều, thực hiện khẩu phần dinh dưỡng cân đối, đủ chất, đủ lượng, đảm bảo VSATTP cho trẻ. Hỗ trợ tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện các nội dung trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Phân công trách nhiệm cho giáo viên, nhân viên bảo vệ bảo đảm trật tự trường học, tránh các tai nạn về sức khỏe tính mạng của trẻ. Hỗ trợ tạo điều kiện cho nhân viên y tế thực hiện các nội dung trong chương trình y tế chăm sóc sức khỏe trẻ. Phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở trường.
* Chỉ đạo thực hiện kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ:
Chỉ đạo là những hành động được xác lập quyền chỉ huy, sự can thiệp của người lãnh đạo trong toàn bộ quá trình quản lí, nhằm huy động điều hành mọi lực
lượng thực hiện kế hoạch trong trật tự để nhanh chóng đưa nhà trường đạt đến mục tiêu đã định. Chỉ đạo là quá trình hướng dẫn và ảnh hưởng đến người khác bằng sự gương mẫu, tài năng, thông tin, kỹ năng tác động lẫn nhau.
Chỉ đạo thực hiện chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ:
Chỉ đạo thực hiện chế độ sinh hoạt theo từng nhóm. Động viên giáo viên thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đề ra. Chỉ đạo giáo viên kết hợp với gia đình trẻ thống nhất việc thực hiện chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Chỉ đạo thực hiện chế độ sinh hoạt đúng giờ theo từng độ tuổi. Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý và thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo cho sự phát triển cân đối, hài hòa về thể chất và tâm lý của trẻ. Vì thế, chỉ đạo việc thực hiện chế độ sinh hoạt ở từng nhóm là một nhiệm vụ quan trọng của Hiệu trưởng trường mầm non.
Cán bộ quản lí phải quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định trong chế độ sinh hoạt. Hiệu trưởng cần có kế hoạch kiểm tra thường xuyên về tình hình thực hiện kế hoạch của giáo viên, kịp thời uốn nắn, động viên những sai lệch.
Chỉ đạo công tác nuôi dưỡng:
Chỉ đạo thực hiện chế độ dinh dưỡng theo yêu cầu độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ. Chỉ đạo thực hiện tính khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, hợp lý, cân đối. Chỉ đạo xây dựng thực đơn hàng tuần phù hợp với từng mùa và chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng thực hiện nghiêm túc thực đơn. Chỉ đạo thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất quán trong chỉ đạo thu chi, công khai và minh bạch. Chỉ đạo thực hiện quy trình chế biến thức ăn tại trường cho trẻ đảm bảo VSATTP và đủ khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ. Chỉ đạo các bộ phận tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về mục tiêu chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
Chỉ đạo thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: các nguồn thực phẩm đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, có hợp đồng với công ty uy tín, các khâu chế biến theo quy trình bếp một chiều, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định của quyết định 1246/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn thực hiện chế
độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”. Dụng cụ nấu ăn, đồ dùng ăn uống được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Thường xuyên rút kinh nghiệm, cải tiến cách chế biến món ăn cho trẻ... Chỉ đạo việc chăm sóc tốt bữa ăn cho trẻ, đặc biệt là mùa hè.
Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho cấp dưỡng; xây dựng mạng lưới giám sát công tác nuôi dưỡng trong nhà trường, kết hợp với nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra chất lượng nuôi dưỡng, kịp thời khắc phục thiếu sót.
Quản lí chặt chẽ các khoản thu chi liên quan đến ăn uống của trẻ, thực hiện tài chính công khai minh bạch, thanh toán tiền ăn thừa của trẻ với phụ huynh.
Chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ:
Công tác chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ phải đặt lên ở vị trí hàng đầu trong hệ thống các nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Đây cũng là nội dung quan trọng trong công tác quản lí của Hiệu trưởng trường mầm non.
Sức khỏe của trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của điều kiện sống, công tác vệ sinh cần được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện các chế độ vệ sinh, vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh môi trường... cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và có kế hoạch kiểm tra thường xuyên định kỳ, đảm bảo cho trẻ luôn được sống trong môi trường sạch sẽ, ngăn ngừa những tác động bất lợi cho sức khỏe của trẻ. Chỉ đạo thực hiện phòng tránh dịch bệnh cho trẻ, chỉ đạo bộ phận y tế thực hiện tốt việc theo dõi và báo cáo dịch bệnh, xử lý theo đúng quy định nếu có dịch bệnh ở trường, thực hiện chế độ vệ sinh, khử khuẩn theo kế hoạch y tế học đường. Chỉ đạo bộ phận giáo viên thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo mùa cho trẻ. Chỉ đạo các bộ phận tuyên truyền hướng dẫn kiến thức chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ bằng nhiều phương thức phù hợp.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ: tổ chức cân, đo định kỳ, theo dõi sự phát triển của trẻ bằng sổ theo dõi sức khỏe (trước đây là biểu đồ tăng trưởng) theo đúng quy định.
Sức khỏe học đường ngày nay đang là mối quan tâm lo ngại của không chỉ các bậc phụ huynh mà còn là trách nhiệm của nhà trường. Ngày nay khi điều kiện về cơ
sở vật chất tương đối đầy đủ nhưng số trẻ bị cận thị ngày càng tăng. Việc phòng tránh các bệnh học đường cho trẻ vô cùng cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt là phòng tránh cận thị học đường, cong vẹo cột sống...
Tuyên truyền hướng dẫn kiến thức chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong các cuộc họp cha mẹ học sinh, kết hợp chặt chẽ với phụ huynh chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, dư cân – béo phì và phòng bệnh theo mùa.
Chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ bằng nhiều phương pháp tích cực, phù hợp như: nâng cao tinh thần trách nhiệm cho giáo viên trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; Quản lí trẻ chặt chẽ trong mọi hoạt động; tổ chức cho giáo viên học tập, nắm vững quy chế bảo vệ an toàn tuyệt đối cho trẻ và cam kết thực hiện; Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu an toàn, bổ sung sửa chữa kịp thời khi hư hỏng; Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn cho trẻ của giáo viên ở từng nhóm, lớp.
Chỉ đạo thực hiện các chuyên đề:
Chuyên đề là vấn đề về chuyên môn cần đi sâu chỉ đạo trong thời gian nhất định nhằm tạo ra sự chuyển biến chất lượng về vấn đề đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ (như chuyên đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới tổ chức bữa ăn cho trẻ, vệ sinh răng miệng...). Từ đó, Hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện các chuyên đề về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới tổ chức bữa ăn cho trẻ, vệ sinh răng miệng; Chỉ đạo phối hợp các bộ phận trong và ngoài thực hiện chuyên đề với thời gian và kinh phí phù hợp.
* Kiểm tra đánh giá thực hiện kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ:
Kiểm tra là chức năng của mọi nhà quản lí để biết rõ những kế hoạch mục tiêu đề ra đã được đến đâu, như thế nào? Từ đó tìm ra biện pháp cải tiến công tác quản lí nhà trường, để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo mục tiêu đã đặt ra. Nhờ có kiểm tra, nhà quản lí biết được những điểm mạnh, yếu của giáo viên, nhân viên trong nhà trường, phát hiện ra những hợp lí và bất hợp lí trong việc bố trí nhân lực, vật lực trong từng bộ phận của đơn vị mình. Kết quả kiểm tra là cơ sở cho việc đánh giá thi đua. Những nội dung cần kiểm tra:
Kiểm tra việc khám sức khỏe định kỳ, cân, đo, theo dõi sự phát triển của trẻ thông qua sổ theo dõi sức khỏe trước đây là biểu đồ tăng trưởng.
Kiểm tra việc đánh giá sự phát triển trẻ em: căn cứ quy định về chuẩn phát triển trẻ em theo độ tuổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trẻ em khuyết tật học hòa nhập được đánh giá sự tiến bộ dựa vào mục tiêu kế hoạch hóa giáo dục cá nhân.
Tổ chức kiểm tra công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ theo kế hoạch năm học, học kỳ, chuyên đề…
Tổ chức đánh giá giáo viên, nhân viên.
Chỉ đạo quản lí hồ sơ giáo viên, nhân viên, học sinh.
Kiểm tra đánh giá hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ của giáo viên là nội dung quan trọng mà người Hiệu trưởng cần quan tâm. Hằng năm, Hiệu trưởng lập kế hoạch và triển khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá giáo viên định kỳ, đột xuất các công việc chủ yếu gồm: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn, giáo dục dinh dưỡng, giáo dục trẻ của giáo viên; kiểm tra tổ chức hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục của giáo viên; kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; kiểm tra, đánh giá hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng, sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ; thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày cho trẻ; chế độ vệ sinh cá nhân trẻ, vệ sinh đồ dùng đồ chơi; kiểm tra tổ chức bữa ăn, giấc ngủ; kiểm tra các biện pháp an toàn cho trẻ; thực hiện hồ sơ, sổ sách theo dõi sức khỏe trẻ em; kiểm tra, đánh giá việc sử dụng, quản lí tài sản, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong nhóm lớp; kiểm tra kết quả chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ và công tác phối hợp phụ huynh trong quá trình tổ chức hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ và tuyên truyền kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn và giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ.
Hiệu trưởng cần xây dựng chuẩn kiểm tra, đánh giá phù hợp nội dung hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ cũng như đề ra mục đích, yêu cầu, thời gian kiểm tra, đánh giá phù hợp điều kiện của nhóm, lớp và hoàn cảnh của giáo viên. Thông báo cho giáo viên kế hoạch kiểm tra về thời gian, nội dung, kiểm tra (trừ trường hợp kiểm tra đột xuất). Tiến hành kiểm tra, đánh giá theo nội dung chăm sóc và nuôi
dưỡng theo lịch sinh hoạt của trẻ trong ngày, tuy nhiên tổ chức hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ có những hoạt động sẽ làm thay đổi lịch sinh hoạt của trẻ như: cân, đo, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, vệ sinh nhóm, lớp, đồ dùng, đồ chơi…