1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.3. vùng duyên hải miền Trung
Theo Nguyễn Hữu Thông và Trần Đức Anh Sơn (2011), trong những năm qua, loại hình du lịch văn hóa rất được chú trọng và khuyến khích phát triển trong
hoạt động du lịch ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Chính quyền địa phương cũng như các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch luôn coi du lịch văn hóa là sản phẩm chủ lực và đặc thù của hoạt động du lịch trong toàn vùng duyên hải miền Trung.
Các địa phương đều phát triển du lịch văn hóa dựa trên các lợi thế:
Sử dụng lợi thế là khu vực nắm giữ 3/5 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam là quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn để xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, thu hút du khách đến với các di sản văn hóa thế giới này để phát triển du lịch của địa phương và tạo thế liên kết du lịch văn hóa xuyên vùng, kết nối giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng và Quảng Nam, trong đó Đà Nẵng đóng vai trò là điểm trung chuyển du khách giữa hai vùng văn hóa xứ Huế và xứ Quảng.
Khai thác tối đa hệ thống di tích lịch sử cách mạng và di tích kiến trúc nghệ thuật ở từng địa phương để đưa vào phục vụ du khách tham quan, đặc biệt là du khách nội địa, vốn quan tâm đến lịch sử văn hóa của dân tộc.
Khai thác hệ thống di tích và di vật thuộc văn hóa Champa, được phân bố hầu khắp các tỉnh duyên hải miền Trung nhằm tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù để thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Định kỳ tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống và đương đại tại các địa phương để thu hút du khách đến với các địa phương trong vùng.
Tổ chức các tour du lịch làng nghề, các tour du lịch cộng đồng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa nhằm tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Bước đầu hình thành các sản phẩm du lịch ẩm thực, nhờ vào thế mạnh là sự đa dạng của văn hóa ẩm thực giữa các địa phương trong vùng, để thu hút du khách tham gia, trải nghiệm và thưởng thức.
Cách tổ chức và triển khai các loại hình du lịch văn hóa như trên có ưu điểm là đã phát huy tối đa các tài nguyên du lịch nhân văn có sẵn ở từng địa phương để phát triển du lịch, góp phần quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa của từng địa phương. Nhưng cách làm này cũng bộc lộ nhược điểm là tạo ra sự trùng lắp trong khai thác và phát triển du lịch văn hóa, xét trên phạm vi toàn vùng.
Bởi lẽ, theo lý thuyết phân vùng văn hóa đã được các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đúc kết, thì ngoại trừ Thừa Thiên Huế thuộc vùng văn hóa riêng, các địa phương còn lại, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, đều thuộc văn hóa Nam Trung Bộ, với những đặc trưng, tập tục văn hóa gần như tương đồng. Vì thế, sản phẩm du lịch văn hóa, nhất là du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch du khảo văn hóa Champa,… có nhiều nét tương đồng giữa các địa phương. Trong khi, cách thức tổ chức và khai thác sản phẩm du lịch ở các địa phương cũng tương tự nhau, chưa tạo nên sự đột phá về mới lạ, hấp dẫn nên khả năng thu hút du khách còn thấp. Đây là nguyên nhân khiến du lịch văn hóa nói riêng, hoạt động du lịch nói chung trong vùng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Ngoại trừ Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là 2 địa phương có loại hình du lịch văn hóa tương đối phát triển, thu hút nhiều du khách và đã tạo được thương hiệu riêng nhờ vào khai thác lợi thế của các di sản văn hóa thế giới, còn các địa phương khác trong vùng thì loại hình du lịch văn hóa đang còn hạn chế. Các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận tập trung phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch công vụ,… Các địa phương còn lại, dù có nhiều tiềm năng nhưng do hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, hoạt động quảng bá, tiếp thị còn yếu, việc tổ chức khai thác chưa chuyên nghiệp và chưa có định hướng khai thác kinh doanh rõ ràng nên loại hình du lịch văn hóa ở những địa phương này chưa phát triển.
Để phát triển du lịch văn hóa các địa phương ở vùng Duyên hải miền Trung đã xác định và khai thác các thế mạnh của mình, có thể xem Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là hai địa phương tiêu biểu:
- Thừa Thiên Huế đã tập trung phát triển du lịch văn hóa ở các mảng: tham quan, du khảo các di sản văn hóa thế giới (cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể), du lịch lễ hội (với các loại hình: lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội đương đại thường được tổ chức trong các kỳ festival Huế), du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực và du lịch tâm linh (nhờ vào hệ thống chùa chiền, đền miếu phong phú ở Huế),…
- Quảng Nam là địa phương có nhiều điều kiện phát triển du lịch văn hóa nhờ vào hai di sản thế giới là Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, cùng hệ thống đền tháp Champa phân bố hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Quảng Nam cũng là nơi
có nhiều làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn hoạt động như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng đúc Phước Kiều, làng mì Quảng Phú Triêm,… Từ những lợi thế đó Quảng Nam đã phát triển du lịch văn hóa qua việc kết hợp du khảo văn hóa với du lịch làng nghề truyền thống.