tộc ít người để phát triển du lịch
1.3.1. Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội
* Dân cư và lao động
Dân cư và lao động là nguồn lực quan trọng của nền sản xuất xã hội. Cùng với hoạt động lao động, dân cư còn có nhu cầu nghỉ ngơi và du lịch. Số dân càng đông thì số người tham gia vào các hoạt động du lịch càng nhiều. Số lượng người lao động trong sản xuất và dịch vụ ngày càng đông gắn trực tiếp với kinh tế du lịch. Việc nắm vững số dân, thành phần dân tộc, đặc điểm nhân khẩu, sự phân bố và mật độ dân cư có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển du lịch. Nhu cầu du lịch của con người tùy thuộc nhiều vào đặc điểm xã hội, nhân khẩu của dân cư. Cần phải nghiên cứu số lượng, cơ cấu dân cư để xác định nhu cầu nghỉ ngơi du lịch, vì đây là một trong những nhân tố có tác dụng thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
Dân cư và lao động tại các điểm du lịch văn hóa ở cộng đồng dân tộc ít người cũng tác động nhiều đến việc phát triển du lịch văn hóa thông qua việc đáp ứng nguồn nhân lực từ cộng đồng đồng bào dân tộc ít người cho phát triển du lịch văn hóa.
Các dân tộc ít người khác nhau sinh sống ở các vùng, miền khác nhau sẽ có những nét văn hóa độc đáo, những nét đặc sắc riêng. Chính những khác biệt về nơi sinh sống và văn hóa của các dân tộc ít người luôn kích thích sự tò mò, tìm hiểu và khám phá của du khách. Ở Việt Nam, các địa phương như Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình... với những đặc điểm riêng về địa bàn phân bố của các dân tộc ít người cùng với các đặc điểm văn hóa riêng biệt của các dân tộc ít người đã góp phần rất lớn vào việc phát triển du lịch văn hóa.
Sự phát triển của nền sản xuất xã hội có tầm quan trọng hàng đầu làm xuất hiện nhu cầu du lịch và biến nhu cầu của con người thành hiện thực. Nền sản xuất xã hội càng phát triển, thì nhu cầu về du lịch của dân cư càng lớn, chất lượng dịch vụ càng đa dạng. Nền sản xuất xã hội phát triển tạo điều kiện nảy sinh nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến du lịch, không chỉ là nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, mức sống, thời gian rãnh rỗi, mà còn cả những sản phẩm về vật chất và tinh thần phục vụ cho du khách.
* Nhu cầu nghỉ ngơi du lịch
Nhu cầu nghỉ ngơi du lịch và sự thay đổi của nó theo thời gian và không gian trở thành một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình ra đời và phát triển của du lịch nói chung và du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người nói riêng. Nhu cầu nghỉ ngơi du lịch là nhu cầu của con người về phục hồi sức khỏe và khả năng lao động, thể chất, tinh thần bị hao phí trong quá trình sống. Đối với du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người, nhu cầu nghỉ ngơi du lịch thường được biểu hiện qua 2 mức độ đó là nhóm người và cá nhân với hình thức tham quan kết hợp giữa tự nhiên và văn hóa ở các vùng núi qua những chuyến đi (phượt) dài ngày để tìm hiểu về cảnh đẹp ở vùng núi cũng như tìm hiểu về văn hóa các dân tộc ít người.
* Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng nói chung có vai trò đặc biệt đối với việc phát triển du lịch văn hóa tại các địa điểm khai thác văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người để phát triển du lịch. Về phương diện này, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, hệ thống công trình cung cấp điện, nước là những nhân tố quan trọng hàng đầu.
Du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người luôn gắn với sự di chuyển của con người trên một khoảng cách nhất định vì cộng đồng dân tộc ít người thường sống trên một địa bàn nhất định và thường cách xa nơi sinh sống của du khách. Việc phát triển giao thông cho phép mau chóng khai thác được các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Khi giao thông vận tải phát triển, đi lại thuận tiện, nhanh nhóng thì các điểm du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người mới có nhiều thuận lợi để phát triển.
Đối với hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người, thông tin liên lạc đảm nhiệm việc vận chuyển các tin tức một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần thực hiện các mối giao lưu trong nước và quốc tế. Việc phát triển du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người không thể thiếu được các phương tiện thông tin liên lạc. Nhờ các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương tiện thông tin liên lạc ngày càng phong phú và hiện đại. Các hệ thống thông tin hiện đại cho phép truyền và nhận thông tin, hình ảnh ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất. Vì vậy, việc phát triển thông tin liên lạc tại các điểm du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người sẽ giúp cho việc quảng bá những nét văn hóa độc đáo từ cộng đồng dân tộc ít người trên các phương tiện thông tin liên lạc, từ đó sẽ thu hút du khách ở trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Trong cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người còn phải đề cập đến hệ thống các công trình cấp điện, nước vì sản phẩm của nó phục vụ trực tiếp cho việc nghỉ ngơi của khách.
Như vậy, có thể nói cơ sở hạ tầng là đòn bẩy để phát triển du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người.
* Cơ sở vật chất – kỹ thuật
Cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm du lịch, cũng như quyết định mức độ khai thác các tìm năng du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu du khách. Chính vì có vai trò quan trọng như vậy nên sự phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người nói riêng bao giờ cũng gắn liền với xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất – kỹ thuật.
Đối với du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người thì văn hóa của cộng đồng dân tộc ít người là tài nguyên du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách. Muốn khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các công trình. Cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người bao gồm các phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ hàng hóa du lịch văn hóa nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Sự kết hợp hài hòa giữa tài nguyên du lịch văn hóa của cộng
đồng dân tộc ít người và cơ sở vật chất – kỹ thuật của du lịch văn hóa giúp cho các điểm du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người hoạt động hiệu quả.
1.3.2. Nhóm nhân tố chính trị và chính sách
* Nhân tố chính trị
Bất cứ một sự xáo động chính trị, xã hội nào dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Ổn định và an toàn là yếu tố có ý nghĩa to lớn đối với du khách và cơ quan cung ứng du lịch. Khi có một thông tin bất ổn về chính trị, xã hội xảy ra một địa điểm du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người nào đó thì khó có thể thu hút được du khách tới địa điểm đó. Một khu vực hay một vùng lãnh thổ - nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người có bầu không khí chính trị hòa bình và ổn định kết hợp với các tài nguyên du lịch văn hóa sẵn có từ cộng đồng dân tộc của lãnh thổ đó sẽ tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi muốn tìm hiểu về du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Tại những địa điểm đó du khách cảm thấy yên ổn, tính mạng được coi trọng và họ có điều kiện đi lại tự do mà không có cảm giác lo sợ, có thể gặp gỡ dân bản xứ, giao thiệp và làm quen với phong tục tập quán địa phương mà không bị cản trở bởi sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Từ đó thúc đẩy du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người phát triển. Ngược lại, sự phát triển của du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người sẽ gặp khó khăn nếu vùng sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người nào đó xảy ra các sự kiện như đảo chính, bất ổn chính trị, nội chiến, khủng bố…làm xấu đi tình hình chính trị, hòa bình và ổn định thì sẽ trực tiếp và gián tiếp làm giảm sức hút du lịch của khu vực đó. Như vậy, nhân tố chính trị là điều kiện rất quan trọng có tác động thúc đẩy hoặc kiềm hãm sự phát triển của du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người.
* Đường lối, chính sách
Đường lối chính sách ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển du lịch du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người của một khu vực hoặc một đơn vị hành chính – nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người. Những khu vực, địa phương có du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người phát triển là những nơi chính quyền có nhiều chính sách quan tâm đầu tư phát triển du lịch văn hóa dựa trên
tài nguyên du lịch văn hóa của cộng đồng dân tộc ít người. Chính quyền ban hành các văn bản pháp luật, quy phạm hoàn thiện làm hành lang pháp lý cũng như sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng trong những điều kiện, hoàn cảnh mới, đây được xem là nhân tố thúc đẩy du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người phát triển.
Cơ chế chính sách phát triển du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người có tác động đến tất cả các hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người từ việc khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động xúc tiến phát triển du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người, đầu tư quy hoạch du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người, các hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Một đất nước, một khu vực có cộng đồng dân tộc ít người với tài nguyên du lịch văn hóa phong phú nếu chính quyền địa phương không yểm trợ cho các hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người thì hoạt động này cũng không thể phát triển được.
1.3.3. Nhóm nhân tố tự nhiên
Môi trường tự nhiên có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người nói riêng. Các thành phần của tự nhiên tác động nhiều đến du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người chủ yếu là địa hình, khí hậu, nguồn nước.
* Địa hình
Địa hình có vai trò hết sức quan trọng đối với du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Bởi vì bề mặt địa hình là nơi diễn ra các hoạt động của du khách, đồng thời cũng là nơi xây dựng các công trình thuộc cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc ít người. Đặc trưng hình thái và trắc lượng hình thái có thể thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động du lịch văn hóa ở cộng đồng dân tộc ít người. Ảnh hưởng của địa hình đến khả năng triển khai các hoạt động xây dựng các công trình du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người được thể hiện qua diện tích mặt bằng xây dựng các công trình phục vụ du lịch và mức độ thuận lợi của địa hình đối với giao thông đến địa bàn du lịch văn hóa ở vùng cộng đồng dân tộc ít người sinh sống. Các yếu trắc lượng hình thái của
địa hình như độ dốc, mức độ chia cắt sâu, chia cắt ngang càng lớn thì càng gây khó khăn cho du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người và ngược lại.
Địa hình miền núi ảnh hưởng lớn đến việc phát triển du lịch văn hóa từ du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam bởi vì nhiều các dân tộc ít người ở nước ta sinh sống ở khu vực miền núi. Miền núi ở nước ta có nhiều nơi thuận lợi cho nghỉ ngơi, an dưỡng, tổ chức các hoạt động thể thao và còn là nơi tập trung nhiều loài động thực vật, cùng với quan cảnh địa hình tạo nên tài nguyên tổng hợp có giá trị cho phát triển du lịch. Đó là điều kiện rất thuận lợi để kết hợp giữa tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa để hình thành các tuyến du lịch tham quan tìm hiểu tự nhiên cũng như du lịch văn hóa ở miền núi, góp phần làm đa dạng loại hình và sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, độ dốc lớn cũng như mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu lớn ở khu vực miền núi của nước ta gây trở ngại cho giao thông và xây dựng các công trình du lịch phục vụ du lịch văn hóa ở khu vực miền núi.
* Khí hậu
Khí hậu là thành phần quan trọng của môi trường tự nhiên có tác động đối với hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Điều đó được thể hiện ở khả năng thu hút khách thông qua đặc điểm của khí hậu. Thông thường, những nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người có khí hậu điều hòa sẽ hấp dẫn được du khách nhiều hơn những nơi có khí hậu khắc nghiệt.
Điều kiện thời tiết có ảnh hưởng đến việc thực hiện các chuyến đi hoặc hoạt động du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người. Du khách thường mong muốn những ngày nắng đẹp để đi lại, tham quan, mua sắm, quay phim, chụp ảnh kỷ niệm,… ở nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người. Ở mức độ nhất định, cần phải lưu ý tới những hiện tượng thời tiết đặc biệt làm cản trở tới kế hoạch phát triển du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người, ví dụ như những tai biến thiên nhiên (bão, gió mùa, gió bụi, lũ lụt,…).
Du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người cũng có tính mùa vụ do chịu tác động chủ yếu của nhân tố khí hậu. Tác động của khí hậu đối với sức khỏe con người và việc triển khai các hoạt động du lịch văn hóa diễn ra theo chiều hướng và mức độ khác nhau ở những thời điểm trong năm gây nên sự khác biệt về hoạt động du lịch
văn hóa theo mùa, mà trước hết là về số lượng du khách, thời gian lưu lại, kéo theo những thay đổi về công suất sử dụng giường, buồng, doanh thu,… tạo ra mùa vụ trong năm của các hoạt động du lịch văn hóa ở vùng cộng đồng dân tộc ít người sinh sống.
* Tài nguyên nước
Tài nguyên nước phục vụ du lịch văn hóa từ cộng đồng dân tộc ít người chủ yếu là nước trên bề mặt. Nước trên bề mặt bao gồm mạng lưới sông ngòi, ao, hồ nước ngọt và nước mặn. Nó có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp nước cho các khu, điểm du lịch văn hóa. Nước rất cần thiết cho đời sống và cho các nhu cầu khác của xã hội. Đáp ứng cho những nhu cầu này đòi hỏi phải có nguồn nước ngọt dồi dào.