Động lực lao động là những khao khát, sự tự nguyện làm việc của người lao động để đạt được những mục tiêu những mục tiêu của tổ chức và qua đó đạt được những mục tiêu của cá nhân người lao động. Động lực lao động ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công việc và thành quả chung mà tổ chức đạt được. Thực tế cho thấy có rất nhiều khái niệm khác nhau về động lực lao động, tuy nhiên có thể kể ra đây hai khái niệm cơ bản nhất được các nhà quản trị nhân sự thường xuyên sử dụng:
“Động lực lao động là những nhân tố bên trong kích thích con người tích cực làm việc trong điều kiện cho phép tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Biểu hiện của động lực là sự sẵn sàng, nỗ lực, say mê làm việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như bản thân người lao động” - Giáo trình Hành vi Tổ chức của TS. Bùi Anh Tuấn.
“Động lực là sự khát khao và tự nguyện của người lao động để tăng cường nỗ lực nhằm hướng tới việc đạt các mục tiêu của tổ chức” – Giáo trình Quản trị Nhân lực của
ThS. Nguyễn Vân Điềm và PGS.TS Nguyễn Ngọc Quân.
Mặc dù cách định nghĩa khác nhau nhưng điểm chung của hai khái niệm trên đều hàm ý rằng động lực là những khát khao làm việc một cách tự nguyện của người lao động, nó được hình thành và duy trì bởi một loạt các kích thích từ môi trường bên ngoài. Sau đây chúng ta hãy cùng nghiên cứu cụ thể những tác nhân ảnh hưởng đến sự hình thành và duy trì động lực lao động.
Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trong tổ chức, đồng thời các yếu tố đó cũng ảnh hưởng theo những cách khác nhau đến mỗi người lao động, mỗi vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm. Có thể kể ra đây một số nhóm yếu tố như:
- Nhóm yếu tố gắn với bản thân người lao động: Nhóm yếu tố này bao gồm những tiêu chí như trình độ văn hóa, thái độ lao động, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp, cường độ lao động… Nhóm yếu tố thuộc về cá nhân này sẽ tác động đến cách thức nhìn nhận công việc mình đang đảm nhiệm, nó khiến cho người lao động có thái độ tiếp cận công việc theo những cách nhất định.
- Nhóm yếu tố gắn với tổ chức: Những yếu tố thuộc về tổ chức có thể kể ra như tiền lương tiền thưởng, việc tổ chức phục vụ tại nơi làm việc, thái độ của người lãnh đạo (nhà quản trị các cấp), bầu không khí tập thể… Những vấn đề sẽ được quy định khác nhau ở mỗi tổ chức, tùy thuộc vào quan điểm quản trị của những người lãnh đạo cấp cao. Đồng thời đây cũng là nhóm yếu tố khách quan tác động nhiều nhất đến động lực làm việc của người lao động.
Thông thường người lao động lựa chọn công việc tại các tổ chức đều sắp xếp các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên giảm dần như sau: đầu tiên là thu nhập (thu nhập cao hay thấp, có đảm bảo được mức sống hay không), tiếp đến là môi trường làm việc (có nhiều cơ hội thăng tiến không, thái độ của người lãnh đạo đối với vị trí công việc đó, chính sách thu hút và phát triển nhân lực tốt không…) và cuối cùng là bầu không khí tập thể (bầu không khí thân thiện, tinh thần hỗ trợ giữa các đồng nghiệp…). Việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới động lực lao động giúp nhà quản trị tìm ra những biện pháp tốt nhất để tạo động lực cho người lao động.
Để tạo động lực cho người lao động, người quản lý cần tập trung vào ba vấn đề then chốt, đó là:
- Xác định nhiệm vụ và tiêu chuẩn thực hiện công việc cho nhân viên
Nhà quản trị cần phải xác định mục tiêu hoạt động của tổ chức và làm cho người lao động hiểu rõ mục tiêu đó. Khi tập thể người lao động hiểu rõ định hướng và mục tiêu chung của tổ chức họ sẽ nhất trí cao với những chủ trương, chương trình hành động của nhà quản trị. Đồng thời, nhà quản trị cũng có thể xác định nhiệm vụ cụ thể và các tiêu chuẩn thực hiện công việc cho người lao động thể hiện qua bản mô tả công việc. Điều này sẽ giúp phân định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng người lao động, từ đó giúp họ có định hướng trong công việc của mình.
Bên cạnh đó, tổ chức phải đánh giá thường xuyên và công bằng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người lao động. Thông qua hoạt động đánh giá để có chính sách khen thưởng hay phê bình đối với những cá nhân hoàn thành tốt hay không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, việc đánh giá thường xuyên cũng giúp điều chỉnh những sai sót trong các kế hoạch hành động của tổ chức.
- Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động hoàn thành nhiệm vụ : Đây là việc tạo ra môi trường làm việc đầy đủ, thích hợp để người lao động thực hiện công việc. Để thực hiện công việc này, nhà quản trị cần quan tâm tới các công việc sau:
Thứ nhất là loại trừ những trở ngại cho thực hiện công việc của người lao động. Những trở ngại có thể đến từ yếu tố chủ quan như khả năng tích nghi, ứng dụng công nghệ trong làm việc, kỹ năng làm việc không phù hợp… hay cũng có thể đến từ những yếu tố khách quan như môi trường làm việc độc hại, điều kiện làm việc chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết thất thường…
Thứ hai là cung cấp các điều kiện cần thiết cho công việc. Đây chính là trang bị một cách đầy đủ và đồng bộ trang thiết bị, công cụ dụng cụ phục vụ cho việc tác nghiệp của người lao động.
Thứ ba là tuyển chọn và bố trí người phù hợp để thực hiện công việc. Để công việc đạt hiệu quả cao cần bố trí lao động phù hợp về trình độ chuyên môn, sức khỏe (ví
dụ: Không nên bố trị các công việc khuân vác cho nhân viên nữ), hoàn cảnh cá nhân (ví dụ: Những công việc phải đi công tác nhiều và dài ngày sẽ không phù hợp với phụ nữ, đặc biệt là người đang trong quá trình nuôi con nhỏ).
- Kích thích lao động: Các kích thích lao động có vai trò đặc biệt quan trọng đến động lực làm việc của nhân viên. Có thể kể đến ở đây như:
Tiền công tiền lương: Đây là yếu tố quan trọng nhất đối với hầu hết người lao động. Vì vậy một chính sách lương linh hoạt, có tính khuyến khích sẽ tạo ra động cơ làm việc mạnh mẽ cho nhân viên.
Các hình thức khuyến khích tài chính: Có thể kể đến như tăng lương tương xứng với công việc, các chính sách về thưởng cũng như những khuyến khích tài chính khác… cũng sẽ quyết định đến động lực làm việc của người lao động.
Các hình thức khuyến khích phi tài chính: Như khen ngợi, tổ chức thi đua, xây dựng bầu không khí tâm lý và môi trường làm việc thân thiện, tạo cơ hội cho nhân viên phát triển và thăng tiến…