Ngân hàng thương mại không trực tiếp tham gia vào sản xuất và lưu thông hàng hoá như các doanh nghiệp thông thường, mà nó thực hiện các chức năng trung gian tín dụng, trung gian thanh toán và làm dịch vụ tiền tệ, tư vấn tài chính cho khách hàng... Thông qua việc thực hiện các chức năng trung gian của mình, ngân hàng thương mại nắm trong tay một bộ phận lớn nhất của cải của xã hội dưới dạng giá trị nhưng không có quyền sở hữu chúng, mà chỉ có quyền sử dụng với những điều kiện ràng buộc, đòi hỏi ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm vật chất đối với những người chủ sở hữu thực của các tài sản này. Có thể nói, nguyên liệu kinh doanh chủ yếu của ngân hàng thương mại là “quyền sử dụng các khoản tiền tệ’ - là loại nguyên liệu có tính xã hội hoá và tính nhạy cảm cao - do vậy việc thực hiện cung ứng các sản phẩm ngân hàng cũng có nhiều đặc điểm riêng biệt.
Do ngân hàng thương mại hoạt động chủ yếu bằng vốn đi huy động từ nền kinh tế và phải có trách nhiệm hoàn trả, việc thiếu khả năng thanh toán sẽ nhanh chóng dẫn đến sự đổ vỡ, phá sản của ngân hàng thương mại, nên khi thực hiện cung ứng sản phẩm dịch vụ, ngân hàng thương mại cần đề cao các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh, chẳng hạn: duy trì mức vốn huy động hợp lý để phù hợp với nhu cầu sử dụng của ngân hàng và ý muốn của người gửi tiền, chống đỡ được những biến động của thị trường; lựa chọn khách hàng, lựa chọn danh mục đầu tư; đa dạng hoá tài sản để phân tán rủi ro, nâng cao lợi nhuận và đảm bảo thanh khoản...
Thứ hai, quá trình cung ứng sản phẩm dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng
Sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng thương mại có tính phi vật chất, không thể dự trữ, không thể tồn kho để khi thị trường cần thì đưa ra tiêu thụ như hàng hoá hữu hình. Sản phẩm dịch vụ ngân hàng chỉ bắt đầu khi khách hàng chuyển đến ngân hàng các uỷ nhiệm của họ phát sinh từ hợp đồng giao dịch thương mại, tín dụng hoặc phải hoàn thành một nghĩa vụ tài chính nào đó. Do vậy, việc triển khai các nghiệp vụ ngân hàng phải quan tâm trước hết đến nhu cầu của khách hàng, phải xuất phát từ khách hàng.
Thứ ba, cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ ngân hàng giữa các ngân hàng thương mại rất quyết liệt.
Do ngân hàng thương mại bị chi phối bởi đặc điểm dùng nguyên liệu chính là ‘tiền”, loại nguyên liệu có tính xã hội hoá và tính nhạy cảm cao nên chỉ
cần sự thay đổi nhỏ về lãi suất cũng sẽ gây ra sự chuyển dịch của khách hàng từ
ngân hàng này sang ngân hàng khác. Tính nhạy cảm cao thể hiện rõ trong trường
hợp khi ngân hàng thương mại này tạo ra một loại sản phẩm được xã hội ưa chuộng thì ngay lập tức các ngân hàng khác cũng có thể tạo ra sản phẩm đó để cạnh tranh, trong khi các doanh nghiệp khác cần có khoảng thời gian dài mới có
thể nghiên cứu và tạo ra sản phẩm mới. Như vậy, tính cạnh tranh quyết liệt giữa
các ngân hàng phát sinh từ sự dễ thay đổi của khách hàng trong quan hệ giao dịch với ngân hàng nhằm mục đích mua sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp nhất và bán nguyên liệu ‘tiền” với giá cao nhất.
Thứ tư, quá trình cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh doanh và công nghệ ngân hàng.
Ngân hàng nằm trong số loại hình doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ nhất, buộc phải quản lý theo luật và các qui định khác đã được ban hành, nói cách khác, các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại thường xuyên đổi mới với những điều kiện kinh tế năng động và những điều chỉnh của pháp luật. Mặt khác, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng (người gửi tiền, người vay tiền) là mối quan hệ dựa trên cơ sở tín nhiệm lẫn nhau và tạo thuận lợi cho nhau, do vậy, môi trường kinh doanh (điều kiện kinh tế và luật pháp) của mỗi nước đều ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng. Dưới sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học và kỹ thuật, công nghệ ngân hàng có những bước tiến nhảy vọt và có khuynh hướng quốc tế hoá, trở thành nguồn lực nội tại của mỗi ngân hàng về tư duy kinh doanh, tạo ra các sản phẩm thích ứng với thị trường. Hoạt động ngân hàng vì vậy không thể tách rời việc hiện đại hoá công nghệ ngân hàng.
Môi trường kinh doanh và công nghệ ngân hàng tác động đến việc tính toán các chi phí sản xuất và việc định giá các sản phẩm ngân hàng theo những đặc tính riêng mà các doanh nghiệp thông thường không gặp phải. Sản phẩm ngân hàng phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và khả năng quản lý hệ thống tài chính của từng nước. Ngân hàng thương mại kinh doanh vì nền kinh tế và lợi ích thiết thân của mình nên phải hết sức năng động, linh hoạt, liên tục đổi mới nhằm thích ứng với những biến đổi của điều kiện kinh tế, xã hội và những điều chỉnh của pháp luật, đồng thời theo sát thông tin về
công nghệ ngân hàng trên thế giới để tạo ra những sản phẩm mới hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và được xã hội chấp nhận.
Những đặc trưng trên sẽ chi phối và là cơ sở để các nhà quản lý hoạch định chiến lược phát triển các nghiệp vụ cho phù hợp với môi trường kinh doanh, điều kiện cụ thể của từng ngân hàng.