Các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh quảng trị (Trang 32 - 36)

5. Kết cấu của luận văn

1.1. Lý luận về thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp

1.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp

Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp là vấn đề được các nhà khoa học hết sức quan tâm. Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó:

Theo Dunning, John H (1977), một doanh nghiệp chỉ thực hiện việc đầu tư khi hội tụ ba điều kiện: Doanh nghiệp phải sở hữu một số lợi thế nhất định so với doanh nghiệp khác; Nội vi hóa, tức là việc sử dụng những lợi thế đó trong nội bộ doanh nghiệp có lợi hơn là bán hay cho các doanh nghiệp khác thuê; Sản xuất tại địa điểm đầu tư đó có chi phí thấp hơn so với những địa điểm khác hay có thể gọi là lợi thế địa bàn đầu tư.

Theo Romer (1986) và Lucas (1988) cho thấy, các nhân tố tác động tới hành vi đầu tư bao gồm: Sự thay đổi trong nhu cầu; Lãi suất; Mức độ phát triển của hệ thống tài chính; Đầu tư công; Khả năng về nguồn nhân lực; Năng lực của các dự án đầu tư khác trong cùng ngành hay trong các ngành có mối liên kết; Tình hình phát triển công nghệ; Mức độ ổn định về môi trường đầu tư; Các quy định về thủ tục; Mức độ minh bạch của thông tin.

Trong lý thuyết tiếp thị địa phương cũng chỉ ra rằng, những nhân tố tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư có thể chia thành ba nhóm chính, đó là: Cơ sở vật chất hạ tầng đầu tư; Chế độ, chính sách đầu tư; Môi trường làm việc và sinh sống.

Trên cơ sở lý thuyết đề cập như trên, kết hợp với việc thảo luận với các chuyên gia là lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị, tác giả đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị bao gồm: Cơ sở hạ tầng, Môi trường dịch vụ công, Nguồn nhân lực, Môi trường pháp lý, Tính minh bạch về thông tin.

1.1.5.1. Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng hay còn gọi là kết cấu hạ tầng, là hệ thống các công trình xây dựng làm nền tảng cho mọi hoạt động của một khu công nghiệp. Cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề quan trọng mà nhà đầu tư rất quan tâm khi quyết định đầu

tư dự án. Thực tế cho thấy, một địa điểm đầu tư có cơ sở hạ tầng tốt sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và ngược lại. Vì vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng tốt nhằm thu hút đầu tư trước mắt và về lâu dài, đồng thời còn gắn với sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm các yếu tố: hệ thống cấp điện, nước, viễn thông, xử lý nước thải…Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống cấp điện tốt giúp duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế rủi ro hư hỏng thiết bị, máy móc do sự cố cúp điện, chập điện. Hệ thống cấp nước hoạt động tốt sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ cho mục đích sản xuất của nhà máy và nhu cầu sinh hoạt của người lao động. Hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hạn chế gián đoạn thông tin, cản trở quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng hoặc cản trở việc thực hiện các giao dịch về tài chính… Ngoài ra, một yếu tố liên quan đến cơ sở hạ tầng không kém phần quan trọng đó là hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp. Hiện nay trước nhu cầu mở rộng, nâng công suất của các nhà máy hoạt động trong khu công nghiệp kèm theo đó là khối lượng nước thải tăng lên, đòi hỏi khả năng đáp ứng về khối lượng cũng như chất lượng nguồn nước thải đã qua xử lý thì hệ thống xử lý nước thải chung của khu công nghiệp cần đảm bảo những tiêu chuẩn cao hơn cả về chất lượng lẫn số lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện mở rộng, nâng công suất hoạt động của các nhà máy.

1.1.5.2. Môi trường dịch vụ công

Yếu tố môi trường dịch vụ công là yếu tố góp phần quan trọng trong việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư. Một địa phương có môi trường dịch vụ công tốt sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đầu tư, hạn chế sự rườm rà trong khâu thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Môi trường dịch vụ công bao gồm khía cạnh về thủ tục và khía cạnh liên quan đến con người. Để đánh giá môi trường dịch vụ công tại một địa điểm đầu tư có tốt hay không, các doanh nghiệp thường tìm hiểu các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư tại địa điểm đó có đơn giản hay không; tác phong làm việc của cán bộ khi giải quyết công việc và sự am hiểu về mặt pháp luật của cán

bộ trong việc hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính liên quan có hiệu quả, tích cực hay không. Môi trường dịch vụ công tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp, giảm bớt chi phí phát sinh. Ngược lại, môi trường dịch vụ công kém sẽ ảnh hưởng đến thời gian thực hiện đầu tư dự án, cũng như làm gia tăng chi phí phát sinh, đồng nghĩa với việc cản trở hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp đó.

1.1.5.3. Nguồn nhân lực

Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực như: vốn, cơ sở vật chất, tiến bộ khoa học kỹ thuật, lao động. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động lại với nhau. Những yếu tố như: máy móc thiết bị, của cải vật chất, công nghệ kỹ thuật đều có thể mua được, học hỏi được, sao chép được, nhưng con người thì không thể. Vì vậy có thể khẳng định rằng nguồn nhân lực có vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Từ thực tế hoạt động của các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay cho thấy nhu cầu về nhân lực làm việc tại các khu công nghiệp là rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuỳ theo tính chất ngành nghề và số lượng dự án thu hút đầu tư vào trong khu công nghiệp, bình quân mỗi KCN với diện tích từ 100-150 ha khi các nhà máy đã lấp đầy toàn bộ diện tích sẽ cần số lượng lao động từ 15.000-18.000 người làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Điều đó cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng lao động cho các KCN. Sự khan hiếm về lao động địa phương để cung ứng cho các doanh nghiệp KCN đóng trên địa bàn cũng tác động đến quyết định của các nhà đầu tư.

Hiện nay ở các nước phát triển, cứ 1 cử nhân tốt nghiệp Đại học, cao đẳng có 4 kỹ thuật viên tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp và 10 công nhân kỹ thuật, cơ cấu lao động là 1-4-10. Còn ở nước ta, cơ cấu lao động tương ứng là 1-1,16-0,95. Trong khi số lượng sinh viên đại học ngày một tăng nhanh còn số lượng công nhân kỹ thuật ngày một giảm, năm 1997 là 70%, hiện nay chỉ còn 20% trong tổng lao động được đào tạo. Nhiều chuyên gia nhận xét, Việt Nam đang thiếu thợ giỏi, cơ cấu và chất lượng lao động Việt Nam còn lạc hậu (yếu về trình độ, kỷ luật và tác phong lao động) gây bất lợi cho thu hút đầu tư nói chung và vào KCN nói riêng.

Để có nguồn lao động có khả năng đáp ứng được yêu cầu cho các KCN cần phải phát triển hệ thống đào tạo có khả năng cung cấp cho các KCN một đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ cần thiết theo một cơ cấu thích hợp, có khả năng thích ứng với công nghệ mới. Trong đó vai trò của các trung tâm dạy nghề là rất quan trọng tới việc cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo, có tay nghề cho các khu công nghiệp.

1.1.5.4. Môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý bao gồm các yếu tố liên quan đến các chế độ, chính sách nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp rất quan tâm đến những địa phương có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn. Nhìn chung, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc giảm bớt những chi phí có liên quan, đồng thời giúp các doanh nghiệp mạnh dạn trong việc triển khai các dự án lớn và quy mô. Để môi trường pháp lý có hiệu quả cần quan tâm đến việc ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư với nhiều quy định hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, vấn đề ban hành kịp thời, nhanh chóng các chính sách cũng góp phần tích cực trong việc thu hút các dự án đầu tư lớn, nhằm hạn chế việc nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các địa phương có chính sách ưu đãi được ban hành kịp thời hơn để hạn chế tình trạng đọng vốn. Ngoài ra, các chính sách ban hành phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu, điều kiện của các nhà đầu tư để áp dụng có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả về thu hút đầu tư.

1.1.5.5. Tính minh bạch của thông tin

Trong quá trình thực hiện đầu tư và triển khai dự án, các doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề tiếp cận các thông tin liên quan nhằm phục vụ việc đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Thông thường, những thông tin về năng lực hợp tác của các đối tác cùng ngành, thông tin về ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với dự án hoặc thông tin về những rủi ro vĩ mô liên quan đến dự án sẽ thu hút sự quan tâm, chú ý của doanh nghiệp. Một địa phương quan tâm đến việc minh bạch các thông tin trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng, từ đó đưa ra những quyết định, giải pháp hợp lý và hiệu quả sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.Ngoài ra, thông tin minh bạch còn tạo sự an tâm đối với doanh nghiệp khi triển khai mở rộng đầu tư về lâu dài. Đồng thời, thông tin minh bạch sẽ tác động đến doanh nghiệp trong việc giới thiệu các nhà đầu tư khác thực hiện đầu tư dự án tại địa phương.

1.1.6. Chỉ tiêu đánh giá mứ c độ hiệ u quả củ a việ c thu hút vố n đầ u tư vàocác khu công nghiệ p

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh quảng trị (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)