Dưới hình thức pháp lý thì theo quy định của luật pháp nước tiếp nhận đầu tư, FDI có thể được tiến hành dưới các hình thức pháp lý khác nhau, chủ yếu bao gồm:
- Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Tổ chức kinh tế này thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại nước nhận đầu tư, tự quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh (Vũ Chí Lộc 2012, tr. 119). Hình thức đầu tư này khá truyền thống và phổ biến của FDI. Với hình thức này, các nhà đầu tư, cùng với việc chú trọng khai thác những lợi thế của địa điểm đầu tư mới, đã nỗ lực tìm cách áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, rất nhiều công ty xuyên quốc gia thường đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và họ thường thành lập một công ty con của công ty mẹ xuyên quốc gia. Ví dụ như ở Việt Nam có Samsung, Canon, iMarket, …...
Mặc dù Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhưng thành lập tại nước nhận đầu tư nên phải chịu sự kiểm soát của pháp luật nước sở tại. Nhà đầu tư phải tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Về hình thức pháp lý, dưới hình thức này, theo Luật Doanh nghiệp
2014, có các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần…
Hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài có ưu điểm là nước nhận đầu tư không cần bỏ vốn, tránh được những rủi ro trong kinh doanh, thu ngay được tiền thuê đất, thuế, giải quyết việc làm cho người lao động. Mặt khác, do độc lập về quyền sở hữu nên các chủ đầu tư nước ngoài chủ động đầu tư và để cạnh tranh, họ thường đầu tư công nghệ mới, phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao, góp phần nâng cao trình độ tay nghề người lao động. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là nước chủ nhà khó tiếp nhận được kinh nghiệm quản lý và công nghệ, khó kiểm soát được đối tác đầu tư nước ngoài và không có lợi nhuận.
- Thành lập doanh nghiệp liên doanh(DNLD) giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài
Hình thức đầu tư này cũng được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ trước tới nay. Theo hình thức này, Doanh nghiệp liên doanh tạo nên pháp nhân đồng sở hữu nhưng có địa điểm đầu tư đặt tại nước tiếp nhận đầu tư đó là sự thành lập một doanh nghiệp mới trên cơ sở hợp đồng liên doanh được ký giữa hai hay nhiều bên, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp liên doanh có thể trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa chính phủ với chính phủ (Vũ Chí Lộc 2012, tr.119). Ở nước ta, hình thức này cũng rất phát triển, nhất là giai đoạn đầu thu hút FDI. Một số công ty Liên doanh tại nước ta như Công ty Cổ phần Hyundai-Thành Công, Công ty TNHH Nichiden Việt Nam hay Coca-Cola trước đây cũng là doanh nghiệp liên doanh trước khi trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Hiệu quả hoạt động của DNLD phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh của nước sở tại, bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, mức độ hoàn thiện pháp luật, trình độ của các đối tác liên doanh của nước sở tại...
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là văn bản được ký giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư tại nước sở tại trong đó quy định trách nhiệm chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập tổ chức kinh tế mới (Vũ Chí Lộc 2012, tr.118).
Hình thức đầu tư này có ưu điểm là giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn, công nghệ; tạo thị trường mới, bảo đảm được quyền điều hành dự án của nước sở tại, thu lợi nhuận tương đối ổn định. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là nước sở tại không tiếp nhận được kinh nghiệm quản lý; công nghệ thường lạc hậu; chỉ thực hiện được đối với một số ít lĩnh vực dễ sinh lời như thăm dò dầu khí.
Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân riêng và mọi hoạt động hợp tác kinh doanh phải dựa vào pháp nhân của nước sở tại. Do đó, về phía nhà đầu tư, họ rất khó kiểm soát hiệu quả các hoạt động BCC. Tuy nhiên, đây là hình thức đơn giản nhất, không đòi hỏi thủ tục pháp lý rườm rà nên thường được lựa chọn trong giai đoạn đầu khi các nước đang phát triển bắt đầu có chính sách thu hút FDI hoặc khi các chủ đầu tư nước ngoài thâm nhập vào một thị trường mới mà họ chưa biết rõ.
- Hình thức hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công (Luật đầu tư 2014). Một số hình thức hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư:
Hợp đồng BOT
BOT là hình thức đầu tư được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cầu hạ tầng, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư được kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Nghị định 108/2009/NĐ-CP)
Hợp đồng BTO và BT
BTO và BT là các hình thức phái sinh của BOT, theo đó quy trình Xây dựng, Kinh doanh, Chuyển giao được đảo lộn trật tự. (Nghị định 108/2009/NĐ-CP)
Ta thấy, hình thức BOT, BTO, BT có các đặc điểm cơ bản: một bên ký kết phải là Nhà nước; lĩnh vực đầu tư là các công trình kết cấu hạ tầng như đường sá, cầu,
cảng, sân bay, bệnh viện, nhà máy sản xuất, điện, nước...; bắt buộc đến thời hạn phải chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước.
Ưu điểm của hình thức này là thu hút vốn đầu tư vào những dự án kết cấu hạ tầng, đòi hỏi lượng vốn lớn, thu hồi vốn trong thời gian dài, làm giảm áp lực vốn cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, nước sở tại sau khi chuyển giao có được những công trình hoàn chỉnh, tạo điều kiện phát huy các nguồn lực khác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hình thức BOT có nhược điểm là độ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro chính sách; nước chủ nhà khó tiếp nhận kinh nghiệm quản lý, công nghệ.
- Đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp
Khi thị trường chứng khoán phát triển, các kênh đầu tư gián tiếp (FPI) được khai thông, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần, mua lại các doanh nghiệp ở nước sở tại, nhiều nhà đầu tư rất ưa thích hình thức đầu tư này. Ở đây, về mặt khái niệm, có vấn đề ranh giới tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua - ranh giới giúp phân định FDI với FPI. Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán nước sở tại, họ tạo nên kênh đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu vượt quá giới hạn nào đó cho phép họ có quyền tham gia quản lý doanh nghiệp thì họ trở thành nhà đầu tư FDI. Luật pháp Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển quy định tỷ lệ ranh giới này là 10%.
Hình thức mua cổ phần hoặc mua lại toàn bộ doanh nghiệp có ưu điểm cơ bản là để thu hút vốn và có thể thu hút vốn nhanh, giúp phục hồi hoạt động của những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Nhược điểm cơ bản là dễ gây tác động đến sự ổn định của thị trường tài chính. Ở nước ta hiện nay hoạt động này cũng khá phát triển. Gần đây nhất là việc Ngân hàng Shinhan Việt Nam chính thức mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam.