Sự thành công trong việc đưa Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về mức độ hấp dẫn các dự án FDI (Thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh chỉ có 4 dự án với tổng vốn đầu tư 177,6 triệu USD, đến nay đã có 1.082 dự án đầu tư trực tiếp của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư trên 15,5 tỷ USD) không thể không nhắc đến những chính sách thu hút FDI của tỉnh đã đưa ra và được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để.
Mặc dù khu vực kinh tế FDI đã có vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng hoạt động đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế cần giải quyết như: Vốn đầu tư tăng nhanh nhưng vốn thực hiện chậm so với tiến độ đăng ký nên chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, việc phát triển các mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các khối doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển của các doanh nghiệp trong nước và các loại hình dịch vụ phụ trợ hay đa số các doanh
nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đều sử dụng chủ yếu lao động nữ gây nên sự mất cân đối về lao động trong lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp khác như may mặc, sản xuất hàng dân dụng… Do vậy trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của những Dự án FDI đồng thời đẩy mạnh việc thu hút FDI, Bắc Ninh sẽ có những động thái điều chỉnh về chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách thu hút của Bắc Ninh vẫn nằm trong khuôn khổ chỉ đạo về chính sách của Nhà nước. Theo đó, ngày 12 tháng 8 năm 2013 tỉnh đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-UBND về việc “PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2020, TẦM NHÌN 2030.” Trước hết Bắc Ninh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI theo định hướng “sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai”. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải và rác thải; chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp phần mềm và giải pháp, nghiên cứu và phát triển (R&D),... Giai đoạn 2020 -2030 và tầm nhìn 2030-2050 sẽ điều chỉnh nâng dần tỷ trọng vốn FDI trong ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, tỉnh triển khai thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh. Cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; Đối với các dự án có quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1.500 tỷ trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của chính phủ, nhà đầu tư được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình thủ tướng Chính phủ chấp thuận...
Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ theo định hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp giấy CNĐT.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.