Nguồn vốn FDI có bản chất từ bên ngoài nên đương nhiên phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Tình hình này tác động đến không chỉ các nhà đầu tư đang tìm kiếm đối tác mà còn tới cả các dự án đang triển khai. Khi môi trường kinh tế thế giới phát triển tốt, ổn định sẽ tạo niềm tin và kỳ vọng về đầu tư cho các nhà đầu tư, điều đó giúp cho dòng vốn FDI cũng sẽ ổn định, các nước có nhiều cơ hội để hút vốn FDI hơn. Ngược lại, khi có sự bất ổn về chính trị, kinh tế trên thế giới, đồng nghĩa với việc rủi ro trong đầu tư tăng cao sẽ khiến cho các dòng vốn FDI trên thế giới sẽ chững lại và vốn đầu tư sẽ di chuyển đến những nơi an toàn và có mức sinh lời cao hơn, ngay cả khi đã đầu tư rồi mà có sự bất ổn nhất là bất ổn về chính trị thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm mọi cách để rút lui vốn. Chẳng hạn như việc khủng hoảng tài chính Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra, đã tác động trực tiếp đến nguồn vốn FDI trên những khía cạnh chính sau: các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh chuyển lợi nhuận về nước; vốn tài trợ của công ty mẹ ở bản quốc cho các công ty con ở nước nhận đầu tư giảm sút nghiêm trọng. Các nước phát triển thay vì đầu tư ra nước ngoài, đã quay lại để ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước; tạo ra làn sóng bảo hộ nền kinh tế trong nước nhằm ứng phó với khủng hoảng trong ngắn hạn. Điều này sẽ gây bất lợi cho việc thu hút đầu tư quốc tế nói chung và vốn FDI nói riêng. Một bằng chứng khác về ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn FDI là trong năm 2016, theo báo cáo của UNCTAD do tăng trưởng kinh tế và thương mại suy yếu nên dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 13% so với năm 2015 và đến tháng 2 năm 2017 là ở mức 1.520 tỷ USD.