Hiện tại, Luật đầu tư mới nhất của Việt Nam là Luật đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 thay thế cho Luật đầu tư 2005. Luật đầu tư 2014 được đánh ra tạo ra hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng khi Luật này đã củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo đảm đầu tư phù hợp với quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể: Cập nhật các quy định về việc Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư và cam kết bồi thường thỏa đáng, công bằng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư phù hợp với quy định của Hiến pháp; Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước bảo đảm đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế; Hoàn thiện quy định về việc áp dụng nguyên tắc không hồi tố trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến ưu đãi đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư. Luật cũng đã hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư hiện hành về ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng như các nguyên tắc, điều kiện áp dụng ưu đãi nhằm đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Luật đã tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư như đơn giản hóa hồ so, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật Đầu tư hiện hành xuống còn 15 ngày).
Mặc dù Luật đầu tư 2014 đã có sự đổi mới toàn diện, đột phá về thể chế, mở ra môi trường đầu tư thông thoáng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các Nhà đầu
tư. Tuy nhiên, Luật vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản luật mà cụ thể liên quan đến thủ tục đầu tư, gây ảnh hưởng cho cả cơ quan nhà nước và chủ đầu tư. Điển hình như tiêu chí phân chia dự án đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo, khiến các cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào là đúng. Trong khi đó, thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng là không tương thích của cả 3 luật gồm Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, cũng như không thống nhất thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư, trước hay sau khi nhà đầu tư nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với việc giao đất, cho thuê đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai đã có sự xung đột trong quy định về việc chấm dứt dự án và thu hồi đất. Luật Đầu tư quy định chấm dứt dự án sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện. Luật Đất đai cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án…
Sự chồng chéo này gây lãng phí, kéo dài thời gian và rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục; lãng phí nguồn lực Nhà nước trong việc quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung rà xoát, nghiên cứu các văn bản luật để tìm ra sự xung đột đồng thời đưa ra những giải pháp hoàn thiện kịp thời hoàn thiện đồng bộ các văn bản luật.