Hàn quốc chính thức quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 22 tháng 12 năm 1992. Ban đầu mối quan hệ này được thực hiện trong lĩnh vực trao đổi hàng hóa giữa các công ty. Sau đó, nó được phát triển rộng ra sang nhiều lĩnh vực đầu tư, trao đổi lao động, du lịch, hợp tác khoa học-kỹ thuật, và ngày nay, đã trở thành một mối quan hệ hợp tác toàn diện. Gần đây nhất, để thắt chặt mối quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiếc lược, Hàn quốc và Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn quốc vào ngày 05/5/2015 (VKFTA), hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2015, Hiệp định này được cho rằng sẽ phát huy hết tiềm năng trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia kể từ khi hai nước tăng cường hợp tác thương mại thông qua các Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Hàn quốc(AKFTA) từ tháng 8 năm 2006. Thực tế cho thấy, trên hầu hết các lĩnh vực quan hệ, thành tựu đã đạt được là rất đáng kể. Cụ thể, tại buổi phỏng vấn Đại sứ Hàn quốc Lee Hyuk của Đài tiếng nói Việt Nam ngày 04/11/2017, Ông cho biết: “Trong 25 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh đến mức thần kỳ. Đến nay, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc ngược lại Hàn quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Trung quốc. Cụ thể là kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD, năm 2017 đạt 64 tỷ USD”.
Hiện tại, có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Ngược lại, khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam. Đây chính là cầu nối đưa quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ láng giềng trở thành quan hệ họ hàng, anh em gần gũi.
Đối với Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam cũng là một đối tác cực kỳ quan trọng trong Chính sách Hướng Nam của Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in. Có rất nhiều
yếu tố để đưa Việt Nam trở thành đối tác trọng tâm trong việc thực hiện chính sách Hướng Nam mới. Đầu tiên, Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất trong ASEAN, đạt gần 100 triệu người. Vậy nên tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong tương lai là rất cao.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Trong tương lai, xu thế này sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ hơn nữa. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc trong những năm qua không ngừng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Những kết quả như vậy chỉ ra rằng Việt Nam- Hàn Quốc đến nay đã trở thành đối tác không thể thiếu của nhau.
Mối quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc cũng dần trở nên vô cùng đặc biệt. Những số liệu rất cụ thể chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác hết sức quan trọng của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, đặc biệt là quy mô trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Hàn Quốc chiếm hơn 40% tổng quy mô trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại Hàn quốc là đối tác với Việt Nam trong khuôn khổ AKFTA và VKFTA. Trong các hiệp định, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường rộng hơn cho dịch vụ và đầu tư của Hàn Quốc, cũng như các cam kết bảo hộ đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư từ nước này theo VKFTA như về thương mại hàng hóa có các cam kết về thuế quan theo đó: Việt Nam sẽ xóa bỏ cho Hàn Quốc 8.521 dòng thuế (chiếm 89,15% biểu thuế và tương đương 92,72% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2012) (tổng hợp các cam kết trong VKFTA và AKFTA), về thương mại Dịch vụ có cam kết về mở cửa thị trường về từng lĩnh vực, dịch vụ, hay những cam kết về đầu tư,….. Các cam kết này sẽ là động lực để tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Bắc Ninh có cơ hội tiếp cận và đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI của Hàn quốc vào tỉnh.