Những vấn đề còn tồn đọng
Mặc dù kể từ khi Bắc Ninh bắt đầu tiếp nhận và đẩy mạnh thu hút FDI nói chung và FDI của Hàn quốc nói riêng đã đạt được những thành công nhất định trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, song bức tranh doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Bắc Ninh không chỉ có gam màu sáng, mà một số mảng màu tối ngày càng bộc lộ rõ (ở hiện tại và dự đoán trong tương lai), thể hiện qua mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện nay chất lượng dòng vốn FDI Hàn quốc vào tỉnh vẫn chưa cao, vẫn thiên về thâm dụng nhân công giá rẻ (đa số là công nhân lao động chân tay) để sinh lợi. Phần lớn các dự án của chủ đầu tư Hàn quốc đều thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh và đều nhập khẩu các nguyên liệu, linh phụ kiện từ nước ngoài để lắp ráp nên giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp và chủ yếu tăng từ nguồn nhân công giá rẻ này. Qua đó chúng ta thấy việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Được biết, tính đến hết năm 2017, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng trực tiếp cấp 1 cho Samsung chỉ là 29.
Thứ hai, đa số các doanh nghiệp FDI Hàn quốc trên địa bàn tỉnh đều sử dụng chủ yếu lao động nữ (khoảng 70%), điều này gây ra sự mất cân đối về lao động trong lực lượng lao động và gây ảnh hưởng đến những ngành khác cũng sử dụng lao động nữ như nông nghiệp, may mặc,…. Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ cao trong các nhà máy như vậy cũng tiềm ẩn và phát sinh nhiều vấn đề an ninh trật tự xã hội phức tạp như các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cũng chính việc mở rộng và phát triển nhiều KCN trên địa bàn tỉnh nên một lượng lớn lao động nhập cư đổ về tỉnh Bắc Ninh thuê trọ ở xung quanh các KCN, kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại Bắc Ninh.
Thứ ba, tình trạng tranh chấp lao động, xô xát và đình công vẫn xảy ra, điển hình mới đây nhất trong năm 2017 là vụ xô xát tại công trường nhà máy Samsung Display Việt Nam. Hay tình trạng công nhân bỏ các doanh nghiệp trong nước chạy
sang các doanh nghiệp có vốn FDI khá phổ biến, ví dụ trong năm 2017 có rất nhiều nhân viên công ty ALS Bắc Ninh chuyển sang doanh nghiệp HTNS (FDI Hàn quốc) để làm việc. Ngoài ra, trong nội bộ doanh nghiệp FDI Hàn quốc có sự chênh lệch rất lớn giữa cán bộ quản lý và công nhân lao động trực tiếp (phần lớn chỉ bằng 1/5), điều này tạo ra sự phân hóa ngày càng rõ nét giữa các tầng lớp lao động trong doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, một bộ phận doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang gây thất thoát về nguồn thu thuế của Nhà nước qua hiện tượng chuyển giá trong hoạt động thương mại giữa nội bộ các công ty thông qua hình thức gia công cho công ty mẹ hoặc gia công cho bạn hàng. Điều này cho thấy việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư của một số chủ đầu tư này còn chưa nghiêm túc.
Nguyên nhân
Thứ nhất, việc thu hút FDI nói chung và FDI Hàn quốc nói riêng trong những năm qua trên địa bàn tỉnh còn chạy theo lượng vốn đăng ký mà chưa chú trọng đến hiệu quả của dòng vốn đầu tư. Công tác thu hút đầu tư còn thiếu định hướng về quy hoạch không gian và ngành nghề, lĩnh vực thu hút.
Thứ hai, hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư với những luật khác còn chồng chéo, thay đổi nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Điển hình như luật đầu tư mới nhất 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế như: quy định giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, điều này gây bất lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn. Thực tế cho thấy công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn thường kéo dài, dẫn tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư cũng bị chậm lại, không đúng với tiến độ thực hiện dự án mà các nhà đầu tư đã cam kết khi thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư dù chưa hoàn thành công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… đã phải xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Hay Luật đầu tư 2014 cũng không thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường 2014 như: Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu
cầu quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đa số công nhân đều trình độ thấp và chưa được đào tạo tại các trường dạy nghề nên mức lương còn thấp. Theo thống kê của Cục thống kê Bắc Ninh thì năm 2017 tỷ lệ lao động được đào tạo trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 66% và xếp thứ 6 cả nước. Do vậy, các công nhân khi được nhận việc đều phải qua quá trình đào tạo lại tại các công ty nên làm tăng chi phí đầu tư. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo hiện tại trên địa bàn tỉnh với các chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến việc đào tạo không đúng mục đích, không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư.
Thứ tư, hệ thống cơ sở hạ tầng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các chủ đầu tư. Hiện tại, vẫn còn thiếu nhà ở cho công nhân nên họ vẫn phải ở trọ và mất thêm chi phí.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng chưa khai thác được các kênh quảng bá hữu hiệu thông qua hình ảnh thành công của các nhà đầu tư đi trước để làm làm động lựu cho những chủ đầu tư tiềm năng trong công tác xúc tiến đầu tư. Trong khi muốn đẩy mạnh thu hút FDI của Hàn quốc vào Bắc Ninh với phần lớn là nói tiếng bản địa thì ngôn ngữ trong các công cụ tuyên truyền chủ yếu vẫn là tiếng Việt và tiếng Anh.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM ĐẨY MẠNH THU HÚT VỒN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA HÀN
QUỐC VÀO BẮC NINH TRONG THỜI GIAN TỚI