Chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương (PCI – Province Competitiveness Index) được hiểu là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi
cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn, là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư và là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam. PCI có nguồn gốc từ Việt Nam do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI và USAID phát triển(VCCI, sổ tay PCI 2016).
PCI được cấu thành bởi 10 thành phần, mỗi thành phần sẽ được chấm điểm theo thang điểm 10 dựa trên khảo sát đánh giá của một mẫu (nhiều doanh nghiệp trên cả nước) về 10 thành phần đó. Sau đó mỗi thành phần đều được gán với một trọng số (%) cố định (Bảng 1.1). Điểm của mỗi thành phần theo đánh giá của Doanh nghiệp (DN) nhân 60% cộng với điểm thành phần theo chỉ tiêu đã được công bố nhân 40% là điểm của mỗi thành phần để tính chỉ số PCI(VCCI, sổ tay PCI 2016).
Bảng 1.1: Trọng số của các chỉ số thành phần trong PCI
Chỉ số thành phần Trọng số (%)
1. Chi phí gia nhập thị trường 5
2. Tiếp cận đất đai 5
3. Tính minh bạch 20
4. Chi phí thời gian 5
5. Chi phí không chính thức 10
6. Cạnh tranh bình đẳng 5
7. Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh 5
8. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 20
9. Đào tạo lao động 20
10. Thiết chế pháp lý 5
Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sổ tay PCI 9/2016
Như vậy, địa phương nào có chỉ số cạnh trạnh cấp tỉnh càng cao sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, theo thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số DN trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN.
Cải thiện một điểm trong chỉ số đào tạo lao động giúp tăng 30% số DN trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN.