Giải pháp về khách hàng

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 108 - 110)

Khách hàng là yếu tố sống còn của mỗi một đơn vị kinh doanh, họ luôn tìm mọi giải pháp để thu hút lượng khách hàng ngày càng gia tăng. Agribank chi nhánh

Nghệ An cũng không ngoại lệ, đặc biệt trong lĩnh vực cấp tín dụng, chi nhánh cần phải giữ khách hàng truyền thống, nỗ lực tìm kiếm thêm DNNVV mới, thực sự tốt, hội đủ điều kiện cấp tín dụng để phát triển dư nợ. Số khách hàng DNNVV quan hệ tín dụng với Agribank Nghệ An còn quá ít so với số DNNVV trên địa bàn. Để làm được điều này, chi nhánh cần thực hiện kết hợp các giải pháp sau:

Khảo sát nhu cầu khách hàng. Để có thể thiết lập chính sách tín dụng, sản phẩm tín dụng phù hợp, mang lại nhiều tiện ích cho DNNVV, việc làm hết sức cần thiết của chi nhánh là khảo sát nhu cầu khách hàng. Chi nhánh cần khảo sát, thu thập thông tin thông qua nhiều kênh như: niên giám thống kê của tỉnh, báo cáo của các Sở, Ban ngành liên quan, báo cáo của ngân hàng Nhà nước, gửi phiếu khảo sát nhu cầu trực tiếp với khách hàng ... thông qua đó, chi nhánh có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về: mức đầu tư vốn, ngành nghề kinh doanh, loại hình dịch vụ, lãi suất.. để có thể thiết kế các gói sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Tích cực tìm kiếm, tiếp cận khách hàng. Tìm kiếm khách hàng là hoạt động thường xuyên và liên tục của chi nhánh. Tuy nhiên, hiện chi nhánh chỉ mới dừng lại ở những biện pháp khá truyền thống như quảng cáo, cán bộ tín dụng mới đi tìm kiếm khách hàng thông qua các thông tin, các mối quan hệ.. .cách làm này tuy năng động nhưng thiếu tính hệ thống, tính chiến lược. Chi nhánh cần thay đổi cách tiếp cận khách hàng, thay vì chờ khách hàng có nhu cầu vay vốn một cách tự phát bằng định hướng một cách có hệ thống, có chiến lược, có trọng tâm, gợi mở cho khách hàng những dự án, phương án kinh doanh, những sản phẩm tín dụng phù hợp để từ đó khách hàng phát sinh nhu cầu vay vốn. Để làm được điều này, chi nhánh cần chủ động cộng tác chặt chẽ với chính quyền, ban ngành các cấp tại địa phương, tham gia vào các dự án, các chương trình có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để giúp DNNVV nắm bắt các cơ hội, mở rộng đầu tư, tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để cùng trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, tìm ra được tiếng nói chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay. Như tác giả đã trình bày ở trên, nguyên nhân các DNNVV không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng có các nguyên nhân thuộc về phía DN như: báo cáo tài chính không minh bạch, dự án đầu tư thiếu tính thuyết phục, doanh nghiệp không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo, vốn tự có thấp, viễn cảnh của ngành nghề sản xuất kinh doanh không khả quan... Do vậy, chi nhánh cần có các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục những tồn tại trên bằng cách: tổ chức các khóa tập huấn cán bộ DN trong công tác: lập dự án, hồ sơ vay vốn, lập và phân tích báo cáo tài chính. CBTD trực tiếp tư vấn cho khách hàng trong tất cả các khâu từ lập dự án đến hồ sơ vay vốn, lựa chọn hình thức đảm bảo để DN có được bộ hồ sơ hoàn hảo, đáp ứng điều kiện cấp tín dụng của chi nhánh.

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 108 - 110)