Kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 118 - 122)

Nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của DNNVV đối với phát triển kinh tế xã hội nên trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, biện pháp đúng đắn trợ lực cho khu vực kinh tế này phát triển và đã gặt hái được những thành quả rõ rệt. Tuy nhiên để tháo gỡ một số vấn đề còn vướng mắc và gặt hái thành tích cao hơn nữa, Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý. Chính phủ và các Bộ, Ngành cần kịp thời sửa đổi và ban hành các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, nhằm xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế. Các văn bản

pháp lý cần đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng để các bên thực thi dễ dàng thực hiện và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên. Đặc biệt gần đây, một số vụ tranh chấp về xử lý tài sản bảo đảm giữa khách hàng và ngân hàng được tòa án các cấp phán quyết mâu thuẫn nhau, khiến các ngân hàng thực sự e ngại trong việc cấp tín dụng dựa trên tài sản đảm bảo. Vì vậy, việc có được hành lang pháp lý ổn định sẽ khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh cấp tín dụng cho khách hàng nói chung và hỗ trợ cung cấp thông tin cho DNNVV nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đào tạo cho các DNNVV. Một trong những điểm yếu của DNNVV là trình độ chủ doanh nghiệp phần lớn còn hạn chế, khả năng lập dự án chưa tốt, tập quán kinh doanh còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp nên đã khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, phía Nhà nước cần có những hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, những kiến thức, phương thức tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các kỹ năng lập dự án kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên của họ. Năm 2011, Thông tư 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn thực hiện nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV, cấu phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV, trong đó các doanh nghiệp tham gia đào tạo đóng góp một phần kinh phí, còn Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đào tạo. Đây là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước ta đối với sự phát triển của DNNVV. Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi, tăng tính khả thi chủ trương này bằng cách: tăng tỷ lệ hỗ trợ kinh phí đào tạo lên mức tối đa 80% hoặc kêu gọi các dự án tài trợ đào tạo miễn phí cho DNNVV để kích thích sự tham gia của đông đảo DNNVV, tiến tới phổ cập kiến thức quản trị doanh nghiệp cho các chủ và cán bộ quản lý DNNVV, nâng mặt bằng kiến thức của DNNVV lên một tầm cao mới, mở rộng đối tượng được đào tạo là cán bộ nhân viên DNNVV với các nội dung đào tạo phù hợp để nâng cao trình độ tham mưu, tác nghiệp của đội ngũ này, góp phần cho thành công của doanh nghiệp, các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo cần liên tục cập nhật các kiến thức mới, cải tiến chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng công tác đào tạo.

Hỗ trợ cung cấp thông tin cho DNNVV. Có thể nói, hệ thống hỗ trợ thông tin cho DNNVV nước ta tuy đã được thiết lập nhưng vẫn còn yếu và thiếu đồng bộ. Các bộ, ngành, ngân hàng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, bằng việc phân giao nhiệm vụ cụ thể về cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng có liên quan để các cơ quan này có trách nhiệm hơn trong cung cấp thông tin, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin từ các cơ quan này; nâng cao chất lượng nguồn thông tin bằng cách sắp xếp thông tin có hệ thống, chắt lọc những thông tin quan trọng để cung cấp, tổ chức những cuộc khảo sát, điều tra để có được bức tranh thông tin toàn diện về các lĩnh vực DNNVV quan tâm; đa dạng hóa hình thức thông tin, đặc biệt đẩy mạnh thông tin điện tử để tạo sự thuận tiện cho DNNVV trong tra cứu thông tin; có biện pháp sớm khắc phục tình trạng thiếu cập nhật vốn rất phổ biến trên các trang web của các cơ quan chức năng hiện nay, để DNNVV có thể khai thác được những thông tin cần thiết phục vụ cho nhu cầu tức thời của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro do thông tin bị lạc hậu so với thực tại.

Ổn định kinh tế vĩ mô. Môi trường kinh tế vĩ mô có tác động rất lớn đến tình hình hoạt động của DNNVV. Trong điều kiện có thể, Nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô bằng các chính sách nhất quán, có độ dài hợp lý để DNNVV có môi trường thuận lợi, có thể định hướng cho hoạt động kinh doanh của mình, tránh các rủi ro chính sách nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp.

Để các chủ trương, chính sách của Nhà nước cấp trung ương đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có sự quan tâm, quyết tâm chỉ đạo thực hiện và có sự sáng tạo, linh hoạt ở các cấp chính quyền địa phương. Sau đây là một số vấn đề mà các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết:

Tích cực triển khai các chủ trương, chính sách trợ giúp DNNVV của Chính phủ. UBND tỉnh cần quan tâm nhiều hơn trong chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan triển khai nhanh chóng các chương trình trợ giúp phát triển DNNVV, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của các đơn vị triển khai, đảm bảo các chương trình triển khai thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ các cơ quan hữu quan nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của DNNVV trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DNNVV để người dân được biết và thực hiện, công khai các thông tin về tình hình kinh tế xã hội, các chủ trương, chính sách, định hướng của Chính phủ và của địa phương, các cơ hội đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực... để các DNNVV có thể nắm bắt, định hướng cho công việc kinh doanh của mình. Biện pháp hữu hiệu nhất để đưa thông tin đến với người dân là cơ cấu chuyên mục hỗ trợ DNNVV trên chương trình truyền hình, trên báo Nghệ An, và nhất là trên trang thông tin điện tử của tỉnh, qua đó cập nhật thường xuyên các vấn đề liên quan đến DNNVV để mọi người quan tâm được biết và dễ dàng tra cứu thông tin khi cần.

Đẩy nhanh tiến độ thành lập các cơ quan hỗ trợ DNNVV. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục để đi vào thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, Trung tâm tư vấn phát triển và xúc tiến đầu tư để hỗ trợ cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng và nâng cao năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức tốt các bộ phận giao dịch một cửa tại các cơ quan chức năng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời quán triệt cán bộ tại các đơn vị này đổi mới cung cách làm việc theo hướng cởi mở, tích cực, tận tình, tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm các thủ tục hành chính.

Nâng cao chất lượng công tác tư vấn và xúc tiến đầu tư. Các sở, ban ngành đầu mối như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương hàng năm cần có các cuộc điều tra, khảo sát thị trường nhằm thu thập các thông tin hữu hiệu, từ đó đưa ra các đánh giá, tư vấn về các lĩnh vực đầu tư để người dân và doanh nghiệp tham khảo, ra quyết định đầu tư. Đồng thời, trên cơ sở nắm bắt được các định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội của Trung ương, của tỉnh, cần tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 118 - 122)