Về phía ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 122 - 123)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, NHNN cần phát huy hơn nữa vai trò của mình qua các mặt sau:

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt. Trong đó, các chính sách của NHNN tác động đến chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại, đến lãi suất, tỷ giá, giá vàng cần có lộ trình hợp lý và có thông tin đầy đủ để ngân hàng và DN có thể nắm bắt, có phương án ứng phó kịp thời. NHNN không nên khống chế trần lãi suất huy động vốn mà lãi suất được thiết lập trên cơ sở cung cầu vốn do thị trường quyết định từ đó các ngân hàng ổn định thanh toán và có điều kiện đẩy mạnh cho vay đối với DNNVV với mức lãi suất hợp lý.

Đẩy mạnh việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 cùng với việc ra đời của hàng loạt ngân hàng, trong đó có những ngân hàng nhỏ, năng lực yếu đã kéo theo hệ lụy là những cuộc đua lãi suất, đua tranh thị phần làm méo mó thị trường tiền tệ. NHNN cũng đã nhận ra điều này và đã có lộ trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Đây là việc làm hết sức cần thiết trong lúc này, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cơ cấu, mạnh tay xóa bỏ những ngân hàng yếu kém bằng cách cho sát nhập, mua lại để tạo nên một hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh, đẩy lùi nạn cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, gây nên những hậu quả khôn lường mà người gánh chịu lớn nhất chính là người đi vay, trong đó có DNNVV.

Xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm chính sách điều hành của NHNN. Bên cạnh việc đề ra các chính sách điều hành phù hợp, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ tính tuân thủ của các ngân hàng thương mại, đảm bảo lập lại kỷ cương trong hoạt động ngân hàng, giúp doanh nghiệp không phải gánh chịu những hệ lụy do các cuộc đua tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng gây ra.

Kiện toàn hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng (CIC). CIC tức là trung tâm thông tin tín dụng đặt tại NHNN, có vai trò thu thập và chia sẻ thông tin về khách hàng có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, giúp đỡ các ngân hàng đỡ mất thời gian điều tra, thu thập thông tin về tình hình khách hàng vay vốn, và có thể gặp phải rủi ro do thông tin bất cân xứng. Mặc dù có vai trò quan trọng như thế, nhưng trong những năm qua, CIC gặp phải nhiều vấn đề bất cập khiến hoạt động của trung tâm không thể phát huy hiệu quả. NHNN cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, có giải pháp cụ thể để kiện toàn hoạt động của CIC, giải pháp cần tập trung vào: thể chế hóa việc cung cấp thông tin cho CIC, xem đây là công việc bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ có chế tài xử lý; chuẩn hóa công tác chia sẻ thông tin tại NHNN bằng việc đề ra quy trình cung cấp thông tin; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác CIC bằng thiết lập hệ thống kết nối online giữa NHNN và ngân hàng thương mại được phép truy cập để gửi và nhận thông tin theo đúng thẩm quyền và phạm vi cung cấp thông tin.

Một phần của tài liệu 0108 giải pháp mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 122 - 123)