1.2. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử
1.2.1.2. Đối với ngân hàng
Một số lợi ích thiết thực mà dịch vụ ngân hàng điện tử mang lại cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ như:
Giúp ngân hàng thu hút khách hàng: Nhằm thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng mình, các ngân hàng thương mại luôn tích cực triển khai và cung cấp thêm nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Một ngân hàng khi cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử với các loại hình dịch vụ đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng sẽ có ưu thế so với các ngân hàng khác trong việc tìm kiếm khách hàng. Nó cũng chứng tỏ dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng đó đã có những bước phát triển nhất định có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh: Ngân hàng điện tử có khả năng phục vụ khách hàng trên phạm vi rộng, khách hàng có thể thực hiện giao dịch 24h trong
ngày tại bất cứ đâu. Điều này giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Giúp ngân hàng phân tán và giảm rủi ro: Một ngân hàng thương mại kinh doanh đa dạng các nghiệp vụ, dịch vụ sẽ phân tán, giảm nhiều rủi ro và nâng cao được lợi nhuận. Trước đây ngân hàng thu lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tín dụng, tuy nhiên trong giai đoạn 2014-2017 hoạt động tín dụng lại chứa đựng nhiều rủi ro và bất trắc, tỷ lệ nợ khó đòi vượt quá mức cho phép từ 4-5% tổng dư nợ cũng đã làm cho các ngân hàng thương mại không còn lợi nhuận và mất dần vốn tự có. Vì thế, thực hiện kinh doanh nhiều nghiệp vụ, dịch vụ ngân hàng khác (trong đó có ngân hàng điện tử) bên cạnh nghiệp vụ tín dụng sẽ giúp phân tán bớt rủi ro và giảm rủi ro, do đó làm tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường: Ngân hàng, tổ chức tín dụng nào muốn tồn tại, muốn phát triển, đạt được lợi nhuận cao và tạo vị thế của mình trong cạnh tranh đều phải thay đổi, cải tiến hoạt động sao cho đáp ứng kịp thời, thuận tiện các nhu cầu đòi hỏi phong phú, đa dạng khách hàng để thu hút được nhiều khách hàng hơn. Muốn làm được điều này, thì cách tốt nhất phải đa dạng hoá loại hình dịch vụ, những ngân hàng hoạt động đơn điệu dễ bị phá sản, hoặc tự đóng cửa do không dễ dàng chuyển hướng kinh doanh hoặc giữ cho hoạt động ngân hàng đó luôn ổn định.
Tiết giảm chi phí hoạt động: phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí giao dịch, chi phí phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, chi phí quản lý, chi phí văn phòng, chi phí lập và chuyển giao chứng từ giấy .v.v.. Một máy rút tiền tự động hiện nay được tích hợp nhiều chức năng như rút tiền, gửi tiền tiết kiệm, chuyển khoản, được ví như một ngân hàng thu nhỏ (auto banking), có thể thực hiện giao dịch 24h trong ngày và thay thế được nhiều nhân viên ngân hàng. Bên cạnh đó, bằng phương tiện internet/ Web cho phép khách hàng truy cập thông tin thường xuyên hơn, cập nhật hơn, do đó ngân hàng giảm được chi phí hoạt động kinh doanh.
“Luân chuyển tiền tệ nhanh hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn: Thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử các lệnh về chi trả, chuyển khoản, nhờ thu, nhờ chi của
khách hàng được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện cho vốn tiền tệ luân chuyển nhanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đây là lợi ích mà các giao dịch kiểu ngân hàng truyền thống khó có thể đạt được với tốc độ nhanh và chính xác so với dịch vụ ngân hàng điện tử.
“Dịch vụ ngân hàng điện tử có thể cung cấp các dịch vụ chéo. Theo đó, ngân hàng có thể liên kết với các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty tài chính khác để đưa ra sản phẩm tiện ích khác nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ liên quan: ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán, du lịch .v.v…Chính sự tiện ích có được từ công nghệ ứng dụng đã thu hút và giữ khách hàng sử dụng, quan hệ giao dịch với ngân hàng và trở thành khách hàng truyền thống của ngân hàng.”
“Tiếp cận với các phương pháp quản lý hiện đại: Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử cho phép các ngân hàng tiếp cận nhanh với các phương pháp quản lý hiện đại. Sự kết hợp hài hòa trong quá trình phát triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng truyền thống và một số dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ cho phép các ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động và đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập, tạo ra sự phát triển đồng bộ, tương thích giữa hệ thống ngân hàng quốc gia với hệ thống ngân hàng thế giới theo các chuẩn mực quốc tế.”