Thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị lưu giữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 29 - 32)

Sau khi thực hiện thông báo lưu giữ hàng hóa gửi cho người nhận hàng, người giao hàng và, hoặc người thuê vận chuyển, và đã đăng tải thông báo lưu giữ hàng hóa trong 03 số liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật, mà các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa nêu trên vẫn không liên hệ làm việc với người vận chuyển để thu xếp nhận hàng, thanh toán tiền cước vận chuyển và các khoản tiền phải trả khác cũng như chi phí phát sinh, thì người vận chuyển có một trong 03 lựa chọn sau trong vòng 60 ngày kể từ ngày tàu đến cảng dỡ hàng:

- Thông báo từ bỏ quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa bị lưu giữ để các cơ quan hải quan xem xét xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển theo các quy định của Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; hoặc

- Tái xuất hàng hóa bị lưu giữ theo quy định của pháp luật về hải quan; hoặc - Tiến hành thủ tục nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ theo các quy định của pháp luật về hải quan để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ.

Để tiến hành nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ nhằm mục đích bán đấu giá theo quy định, người vận chuyển phải nộp hồ sơ hải quan nhập khẩu hàng hóa lưu giữ gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

 Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ;

 Bằng chứng liên quan đến việc đã thực hiện thông báo lưu giữ hàng hóa gửi cho người nhận hàng, người giao hàng và, hoặc người thuê vận chuyển và đã đăng

tải thông báo lưu giữ hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng đủ số lần và đúng thời hạn theo quy định, bao gồm các thông báo mà người vận chuyển đã gửi đến người nhận hàng, người giao hàng, người thuê vận chuyển về việc lưu giữ hàng hóa và các tờ báo hay chứng cứ mà người vận chuyển đã đăng thông báo công khai về việc lưu giữ hàng hóa.

Ngoài ra, người vận chuyển còn phải nộp các chứng từ khác theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính, bao gồm các giấy tờ sau:

 Hóa đơn thương mại.

Hàng hóa bị người vận chuyển lưu giữ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không phải do người vận chuyển mua; do vậy, người vận chuyển không có và không thể có hóa đơn thương mại đối với số lượng hàng hóa bị lưu giữ; hàng hóa bị lưu giữ này cũng chưa phải là hàng hóa mà người vận chuyển có quyền bán tại thời điểm này cho dù là bán đấu giá; do vậy, người vận chuyển cũng không thể phát hành hóa đơn thương mại để thỏa mãn yêu cầu này của pháp luật.

 Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

Vận đơn dùng để khai báo hải quan nhập khẩu hàng hóa để nhằm mục đích xác định số lượng hàng hóa được khai báo nhập khẩu là của đúng người nhập khẩu được xác định là người nhận hàng theo vận đơn. Người vận chuyển khi nhận hàng hóa để vận chuyển từ người giao hàng hay người thuê vận chuyển sẽ phát hành một bộ vận đơn giao cho người giao hàng hay thuê vận chuyển dùng để người nhận hàng có thể nhận hàng tại cảng đích; và rõ ràng, người vận chuyển không thể và không bao giờ là người nhận hàng theo vận đơn để khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa bị lưu giữ. Quy định về điều kiện vận đơn trong hồ sơ khai báo hải quan nhập khẩu đối với hàng hóa bị lưu giữ rõ ràng là không thể thực hiện được.

 Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan;

Các loại giấy phép nhập khẩu nêu trên chỉ có thể xem xét và cấp phép cho các chủ thể kinh doanh được thành lập tại Việt Nam và được quyền nhập khẩu hàng hóa mà pháp luật đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu. Người vận chuyển là doanh nghiệp nước ngoài không thể được xem xét cấp các loại giấy phép nhập khẩu này. Do vậy, điều kiện về giấy phép nhập khẩu nêu trên trong hồ sơ khai báo hải quan nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ của người vận chuyển là bất khả thi đối với hàng hóa cần phải có các giấy phép này.

 Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật

 Tờ khai trị giá hàng hóa bị lưu giữ theo mẫu.  Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Chứng từ xuất xứ hàng hóa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước mà hàng hóa đó được xuất khẩu cấp theo yêu cầu của người sản xuất hay bán hàng hóa đó, và thường được người bán giao cho người mua để nộp trong hồ sơ khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu thông thường tại quốc gia mà hàng hóa đó được nhập khẩu. Do vậy, quy định đòi hỏi về chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa bị lưu giữ trong hồ sơ khai báo hải quan nhập khẩu của người vận chuyển là không phù hợp bởi lẽ người vận chuyển không có và cũng không thể có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa thì phải đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này thông qua việc thành lập các cơ sở kinh doanh theo pháp luật Việt Nam. Do vậy, người vận chuyển là các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài rõ ràng không thể có quyền nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ nếu không đăng ký kinh doanh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo pháp luật Việt Nam. Quy định này và các yêu cầu về hồ sơ khai báo hải quan nhập khẩu đối với hàng hóa bị lưu giữ nêu trên rõ ràng là không phù hợp và bất khả thi, là một rào cản không thể vượt qua trong hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)