Lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là các quyền của người vận chuyển hàng hóa được thực thi trong một số trường hợp khi hàng hóa được vận chuyển không có người nhận, bị từ chối nhận, hoặc được thực thi để bảo vệ quyền của người vận chuyển nhằm bảo đảm cho việc thu đầy đủ tiền cước vận chuyển và các chi phí khác phát sinh trong quá trình vận chuyển. Hợp đồng vận
chuyển hàng hóa bằng đường biển hầu hết đều có quy định các quyền này của người vận chuyển, được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Pháp luật nước ta cũng có các quy định cụ thể điều chỉnh việc lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được quy định tại các điều 157, 167 và 168 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, Nghị định 169/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 và các quy định pháp luật liên quan về hải quan và đấu giá tài sản.
Nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trong chương này đã cho thấy các điều khoản bất cập và không phù hợp như sau:
- Quy định tại khoản 3, Điều 168 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 về việc người vận chuyển phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền còn thừa từ việc bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ sau khi đã trừ các khoản nợ và chi phí phát sinh mà không có người yêu cầu nhận số tiền này trong vòng 180 ngày kể từ ngày bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ.
- Quy định tại Điều 8, Nghị định số 169/2016/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu người vận chuyển hàng hóa phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ trước khi xử lý hàng hóa lưu giữ bằng phương thức bán đấu giá.