Quyền quyết định về nơi lưu giữ hàng hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 62 - 63)

Các quy định của pháp luật hàng hải cho phép người vận chuyển có quyền lưu giữ hàng hóa tại bất kỳ nơi nào, cảng nào mà người vận chuyển thấy thích hợp. Tuy nhiên, trong thực tiễn các quy định hải quan liên quan đến quản lý và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu đã vô hình trung hạn chế quyền nêu trên của người vận chuyển. Thực tiễn trong vụ việc lưu giữ hàng hóa vận chuyển trên tàu Xin Hai Sheng 17 đã cho thấy người vận chuyển không thể dỡ hàng để thực hiện quyền lưu giữ hàng hóa tại bất kỳ một cảng hay nơi nào khác ngoại trừ cảng mà thuyền trưởng đã khai báo trước đó là tàu sẽ đến cảng đó để dỡ hàng và giao cho người nhận hàng. Trong trường hợp tàu Xin Hai Sheng 17, thì chủ sở hữu cảng PTSC Phú Mỹ không đồng ý cho người vận chuyển dỡ hàng hóa và lưu giữ để thực hiện quyền lưu giữ hàng hóa tại cảng PTSC Phú Mỹ là cảng mà thuyền trưởng tàu đã khai báo sẽ đến để dỡ hàng giao cho người nhận hàng nhưng người nhận hàng từ chối nhận hàng; và cơ quan hải quan có thẩm quyền cũng không đồng ý cho tàu Xin Hai Sheng 17 đến dỡ hàng để thực hiện quyền lưu giữ tại bất kỳ một cảng nào khác nếu không có sự đồng ý của người nhận hàng mặc dù người nhận hàng đã từ chối nhận hàng.

Do vậy, để đảm bảo thực thi quyền lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển tại bất kỳ nơi nào, cảng nào mà người vận chuyển thấy thích hợp như đã được ghi nhận tại Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, thì cần phải bổ sung các quy định về hải quan có liên quan để đảm bảo người vận chuyển có thể lưu giữ hàng hóa bị từ chối nhận hay không có người nhận tại bất kỳ cảng biển nào mà họ muốn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quyền tự do kinh doanh, tự do định đoạt của các chủ thể kinh doanh được quy định trong Hiến pháp và Luật doanh nghiệp. Theo ý kiến của tác giả, cần bổ sung một điều khoản quy định về cảng dỡ hàng để lưu giữ hàng hóa vận chuyển bằng đường biển theo hướng người vận chuyển có quyền dỡ hàng để lưu giữ tại bất kỳ cảng biển hay nơi nào khác mà họ thấy thích hợp với điều kiện phải thông

báo cho các cơ quan hải quan có thẩm quyền mà không cần có sự đồng ý của các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa.

Đề xuất bổ sung nêu trên cũng hoàn phù hợp với tính chất của hoạt động lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển về mặt lý luận. Như đã phân tích và trình bày tại mục 1, chương 1 thì quyền lưu giữ hàng hóa vận chuyển bằng đường biển phát sinh trên cơ sở quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản là hàng hóa mà người vận chuyển nhận vận chuyển từ khi nhận hàng hóa để vận chuyển trên cơ sở hợp đồng vận chuyển, phù hợp với điểm c, khoản 1 Điều 165 Bộ luật dân sự Việt Nam. Do vậy, bất kỳ một quy định hay thủ tục nào khác đòi hỏi người vận chuyển phải có sự đồng ý của các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa về nơi lưu giữ hàng là hoàn toàn trái với các quy định tại khoản 1, Điều 167 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, quy định người vận chuyển có quyền dỡ hàng và gửi vào một nơi an toàn thích hợp để thực hiện việc lưu giữ hàng hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)