Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và Việt Nam với chính sách làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới cũng không thể đi ngược lại xu hướng này. Hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam với thể giới ngày càng phát triển trong xu thế đó; hàng hóa vận chuyển đến các cảng biển Việt Nam ngày càng tăng và tất yếu hàng hóa bị lưu giữ và tồn đọng tại các cảng biển ngày càng nhiều, cần phải xử lý và giải quyết triệt để nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thống kê hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy ngày càng nhiều hơn. Tính đến quý 1 năm 2015, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển lớn ở nước ta chỉ có tổng cộng khoảng 5.394 container, trong đó tại khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh có 459 container, Bà Rịa – Vũng Tàu là 83 container, Quảng Ninh có 34 container, và 4.818 container tại Hải Phòng; khu vực cảng biển Đà Nẵng cũng có hàng hóa tồn đọng nhưng không đáng kể [4].
Đến nửa đầu năm 2018, khối lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam đã tăng lên hơn gấp 5 lần so với quý 1 năm 2015, vào khoảng 27.900 container [11], chưa tính hàng rời được vận chuyển theo các hợp đồng vận chuyển
theo chuyến, chẳng hạn như hơn 8.000 tấn sắt thép phế liệu nằm trên tàu Xin Hai Sheng 17 tại khu vực cảng biển Vũng Tàu và gần 900 tấn trên bãi cảng PTSC Phú Mỹ trong ví dụ về tàu Xin Hai Sheng 17 nêu ở phần trên và có thể còn có ở nhiều cảng khác nữa.
Chỉ tính riêng hàng hóa là phế liệu các loại đóng trong container tại thời điểm cuối quý 1 năm 2019 đã có khoảng 24.200 container [12] tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, làm phát sinh rất nhiều chi phí lưu kho bãi và các chi phí khác mà các doanh nghiệp cảng cũng như các đơn vị vận chuyển phải chia sẻ gánh nặng cho nhau trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Để giải quyết và xử lý số lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển ngày càng nhiều, chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt với sự kiên quyết của các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, đã từng bước kéo giảm được khối lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt lá khó khăn về tài chính bởi tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa này thường không đủ để bủ đắp chi phí xử lý, đặc biệt là đối với hàng hóa thuộc diện phải tiêu hủy.
Hàng hóa bị tồn đọng tại các cảng biển tại Việt Nam có xu hướng ngày một tăng cùng với sự tăng trưởng không ngừng của hoạt động giao thương quốc tế và vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Nguyên nhân chính và cơ bản dẫn đến tình trạng này đã được phân tích ở trên là người vận chuyển không thể thực thi trong thực tiễn và cũng không muốn thực thi quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.