Theo quy định hiện hành thì người vận chuyển gần như không thể thực hiện thủ tục hải quan tái xuất hàng hóa bị lưu giữ và đã được chứng minh trong ví dụ tàu Xin Hai Sheng 17 nêu trên. Pháp luật hàng hải Việt Nam quy định người vận chuyển có quyền tái xuất hàng hóa đối với hàng hóa bị từ chối nhận hay không có người nhận và trong các trường hợp hàng hóa thuộc loại cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế người vận chuyển gần như không thể thực hiện được theo các quy định hiện hành về hải quan.
Nghiên cứu các quy định về hồ sơ và thủ tục tái xuất hàng hóa trong Luật hải quan năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTC, tác giả nhận thấy các văn bản pháp luật nêu trên không quy định về hồ sơ và thủ tục tái xuất hàng hóa bị người vận chuyển lưu giữ do không có người nhận, bị từ chối nhận hay để đảm bảo các khoản nợ và chi phí phát sinh theo hợp đồng vận chuyển.
Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và có văn bản xác nhận tiếp nhận hàng hóa tái xuất của quốc gia hàng hóa sẽ được tái xuất đến đó. Do vậy, người vận chuyển là các doanh nghiệp nước ngoài không thể thực hiện được việc tái xuất hàng hóa bị lưu giữ mà họ có quyền hay có nghĩa vụ phải thực hiện do sự thiếu vắng các quy định về hải quan liên quan đến thủ tục và hồ sơ tái xuất hàng hóa trong trường hợp này.
Trên cơ sở đó, tác giả nhận thấy cần bổ sung các quy định mang tính ngoại lệ về thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị lưu giữ mà người vận chuyển tái xuất hay buộc phải tái xuất. Việc bổ sung các quy định hải quan mang tính ngoại lệ cần phải được xem xét thấu đáo để người vận chuyển có thể thực hiện trong thực tiễn khi họ cần tái xuất hàng hóa bị lưu giữ do không tìm được người mua thông qua đấu giá tại Việt Nam, hoặc họ không muốn tiếp tục thực hiện quyền lưu giữ ở Việt Nam mà muốn vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hoặc trong trường hợp hàng hóa bị buộc phải tái xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo ý kiến của tác giả, các quy định về tái xuất hàng hóa và thủ tục, hồ sơ tái xuất hàng hóa trong các trường hợp nêu trên cần bổ sung vào Nghị định 169/2016/ND-CP theo hướng sau:
- Người vận chuyển phải tái xuất hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ mà không tiến hành bán đấu giá tại Việt Nam hay bán đấu giá không thành công và trong các trường hợp hàng hóa thuộc loại cấm nhập khẩu vào Việt Nam trong một thời hạn nhất định.
- Thủ tục tái xuất và hồ sơ tái xuất hàng hóa sẽ do người vận chuyển hay đại lý của người vận chuyển thực hiện bao gồm các loại giấy tờ như bản sao vận đơn hay chứng từ vận chuyển, thông báo lưu giữ và chứng cứ về đăng tải thông báo lưu giữ trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, báo cáo giám định hay chứng thư giám định về số lượng, chủng loại, chất lượng và giá trị hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ mà không bán đấu giá hay bán đấu giá không thành công tại Việt Nam.
- Đối với hàng hóa bị cấm nhập khẩu thì hồ sơ tái xuất hàng hóa sẽ bao gồm bản sao vận đơn hay chứng từ vận chuyển và báo cáo giám định hay chứng thư giám định xác định hàng hóa thuộc loại cấm nhập khẩu.