CHƯƠNG 3 NHẬN ĐỊNH VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC LƯU GIỮ VÀ XỬ LÝ HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 55 - 60)

VIỆC LƯU GIỮ VÀ XỬ LÝ HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VẬN CHUYỂN NƯỚC NGOÀI TẠI

VIỆT NAM

3.1. Nhận định về tác động của pháp luật đối với hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

Nghiên cứu các quy định pháp luật về lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại các cảng Việt Nam cũng như các quy định pháp luật hải quan

liên quan đến hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa của người vận chuyễn, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài liên quan đến hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển cho thấy các tồn tại như sau. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã lộ rõ những bất cập, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn và không khuyến khích các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài thực hiện việc lưu giữ và xử lý hàng hóa tại các cảng biển.

Các quy định của pháp luật hàng hải cho phép người vận chuyển được dỡ hàng và gửi tại nơi thích hợp mà người vận chuyển thấy hợp lý đối với hàng hóa bị lưu giữ. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến hoạt động giám sát và quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã phần nào hạn chế quyền tự chọn lựa nơi lưu giữ của người vận chuyển đối với hàng hóa bị lưu giữ. Người vận chuyển trong thực tế gần như không thể chọn lựa nơi gửi hàng lưu giữ mà họ muốn ngoài bến cảng đã khai báo trước khi tàu đến cảng biển để giao hàng bởi các quy định về giám sát hải quan còn rườm rà, phức tạp, đòi hỏi sự đồng thuận của các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa, đặc biệt khi người vận chuyển muốn chuyển nơi lưu giữ từ bến cảng khai báo ban đầu sang bến cảng khác.

Người vận chuyển sau khi đã tiến hành lưu giữ hàng hóa cần phải làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ nếu muốn bán đấu giá hàng hóa đó và nộp các loại thuế, phí nhập khẩu. Thực tế quy định này là không khả thi bởi lẽ người vận chuyển là các doanh nghiệp nước ngoài không đăng ký kinh doanh ngành nghề xuất nhập khẩu hàng hóa theo pháp luật Việt Nam, và cũng không thể có được đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật hải quan để thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu. Quy định nêu trên cũng không phù hợp với thông lệ và tập quán thương mại quốc tế khi đòi hỏi người vận chuyển thực hiện thủ tục nhập khẩu, nộp các loại thuế, phí nhập khẩu trước khi bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ, bởi lẽ trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, thì người mua hàng hóa thường là người có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục nhập khẩu hàng hóa và nộp các loại thuế, phí đánh trên hàng hóa nhập khẩu đó.

quyền này của người vận chuyển về mặt lý luận là quyền đương nhiên của người vận chuyển để giải quyết các rủi ro có thể phát sinh mà họ phải chịu các khoản chi phí liên quan khi người nhận hàng không nhận hàng hay từ chối nhận hàng và trong một số trường hợp khác để đảm bảo thu được cước phí vận chuyển và các chi phí phát sinh.

Như đã phân tích trong mục 1.1 chương 1 trên đây thì quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển có nguồn gốc từ quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản của người vận chuyển đối với hàng hóa mà mình nhận vận chuyển. Các quyền này của người vận chuyển là hoàn toàn phù hợp với điểm c, khoản 1 Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật. Trong quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thì người vận chuyển được xem đã thực hiện việc chiếm hữu hàng hóa có căn cứ pháp luật một cách liên tục từ khi nhận hàng để vận chuyển, phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 182 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định: “Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu”.

Mối quan hệ giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng như trong việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ chỉ là mối quan hệ kinh doanh thuần túy thuộc quyền tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các bên liên quan. Người vận chuyển có quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa nhưng phải đảm bảo việc lưu giữ và xử lý phải đúng quy định và tuân thủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do vậy, khi thực hiện quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa, người vận chuyển phải đối mặt với rủi ro và nguy cơ bị các đơn vị có lợi ích liên quan đến hàng hóa bị lưu giữ và xử lý kiện cáo, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, khoản 3, Điều 168 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 lại quy định người vận chuyển phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền thu được từ

việc bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình lưu giữ, bán đấu giá và các loại thuế phí khác. Theo tác giả được biết thì ở Việt Nam chưa bao giờ xảy ra trường hợp này, nghĩa là người vận chuyển nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền thừa theo quy định trên. Tuy nhiên, nếu thực sự có trường hợp tương tự xảy ra trong thực tiễn; và sau đó, người có lợi ích liên quan đến hàng hóa như chủ sở hữu hàng hóa đã bị bán đấu giá khởi kiện người vận chuyển yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do lưu giữ và xử lý hàng hóa thì vai trò và vị trí của nhà nước trong vụ kiện này sẽ là gì. Nhà nước có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và có phải có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền còn thừa này cho chủ sở hữu hàng hóa hay không; và có thể còn một loạt các vấn đề phát sinh liên quan khác.

Hiến pháp Việt Nam và Luật doanh nghiệp hiện hành quy định các chủ thể kinh doanh có quyền tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận và có toàn quyền quyết định các vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình. Liên quan đến việc lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, pháp luật quy định người vận chuyển phải thông báo cho các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc lưu giữ và ý định bán đấu giá hàng hóa lưu giữ; các thông báo tương tự về việc bán đấu giá trong quá trình bán đấu giá hàng hóa cũng phải được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về mặt lý luận thì các bên có lợi ích liên quan phải biết hoặc buộc phải biết hàng hóa của họ đang bị lưu giữ và sẽ bị xử lý bằng hình thức bán đấu giá nhưng nếu họ không có bất kỳ hành động gì để giải quyết với người vận chuyển thì cần phải được xem là các bên có lợi ích liên quan đến hàng hóa đã từ bỏ các quyền của mình đối với hàng hóa được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển với người vận chuyển. Do vậy, người vận chuyển hoàn toàn có quyền đối với hàng hóa và pháp luật cũng cho phép người vận chuyển lưu giữ và xử lý hàng hóa.

Tuy nhiên, người vận chuyển chỉ được thu lại các khoản chi phí bỏ ra và các tổn thất phát sinh trong quá trình xử lý còn kết quả đạt được vượt quá chi phí và tổn thất đó thì người vận chuyển không dược thụ hưởng; mà phải nộp vào ngân sách nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hàng hóa bị lưu giữ và bán đấu giá.

Quy định này quả thật không công bằng đối với người vận chuyển khi họ phải tốn bao công sức, chi phí thực hiện việc lưu giữ và xử lý nhưng lại không được hưởng lợi ích gì; ngoài ra, còn có thể bị kiện cáo và chấp nhận rủi ro mất thêm chi phí lưu giữ và xử lý, đấu giá hàng hóa nếu không tìm được người mua thông qua hoạt động bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ.

Từ những nhận định nêu trên cũng cho thấy dường như quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 thiếu cơ sở lý luận và chưa phù hợp với điểm c, khoản 1 Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015 cho thấy người vận chuyển chiếm hữu tài sản lưu giữ là có căn cứ pháp luật theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa được các bên thỏa thuận và pháp luật thừa nhận; việc chiếm hữu hàng hóa lưu giữ của người vận chuyển cũng phù hợp với nội dung, mục đích của hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo quy định tại khoản 1, Điều 188 Bộ luật dân sự năm 2015. Người vận chuyển được xử lý hàng hóa bị lưu giữ thông qua hình thức bán đấu giá cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu tài sản được quy định tại Điều 195 Bộ luật dân sự năm 2015.

Do vậy, theo ý kiến của tác giả thì không hợp lý khi khoản 3 Điều 168 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định người vận chuyển phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền còn thừa thu được từ việc bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ sau khi trừ đi các khoản nợ và chi phí phát sinh trong quá trình lưu giữ và xử lý hàng hóa bị từ chối nhận hay không có người nhận.

Pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định nghĩa vụ của người vận chuyển trong việc xử lý hàng hóa vận chuyển đến các cảng biển Việt Nam không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nhất là khi hàng hóa này là loại hàng cấm nhập khẩu hay hàng hóa này chính là một loại rác thải, phế liệu mà mấy năm gần đây các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa xử lý xong và triệt để, tốn kém ngân sách nhà nước và công sức của các cơ quan có thẩm quyền.

Sự bất cập, chồng chéo, thiếu cơ sở lý luận và chưa toàn diện của pháp luật Việt Nam rõ ràng không đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật trong lĩnh vực lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển đến các cảng biển Việt Nam mà người vận chuyển nước ngoài có quyền thực hiện và có thể phải có nghĩa vụ thực hiện đã tạo ra một lỗ

hổng trong thực tiễn, làm cho khối lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam ngày càng nhiều, và nhà nước phải mất nhiều thời gian và ngân sách để xử lý trong những năm gần đây; gây lãng phí cho xã hội và tổn thất cho các chủ thể kinh doanh liên quan.

Thực tiễn cũng như pháp luật liên quan đến hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nói chung và các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài đã bộc lộ những bất cập, chồng chéo, thiếu cơ sở lý luận và chưa hoàn thiện đã làm cho việc thực hiện gần như là không thể, và có thể nói, các quy định pháp luật về lưu giữ và xử lý hàng hóa của người vận chuyển không phát huy hiệu lực đầy đủ trong thực tiễn, không phản ánh đòi hỏi của thực tiễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)