Quy định về hồ sơ, thủ tục nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 63 - 64)

Như đã phân tích ở mục 1.9.3 chương 1, các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài không có và cũng không thể có các chứng từ liên quan đến hàng hóa như hóa đơn thương mại, chứng nhận xuất xứ hàng hóa,… để có thể có một bộ hồ sơ hải quan với đầy đủ giấy tờ để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ để bán đấu giá theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định số 169/2016/NĐ-CP và khoản 2, Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Hơn nữa, quy định yêu cầu người vận chuyển phải thực hiện xong thủ tục nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ trước khi bán đấu giá cũng không phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, và cũng không thể thực thi trong thực tiễn bởi lẽ người vận chuyển là các doanh nghiệp nước ngoài không đăng ký kinh doanh ngành nghề xuất nhập khẩu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do vậy, tác giả nhận thấy cần xem xét và chỉnh sửa quy định tại Điều 8 Nghị định 169/2016/NĐ-CP liên quan đến nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ và hồ sơ hải quan nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ theo hướng quy định một thủ tục và hồ sơ hải quan riêng biệt, mà không áp dụng các quy định về thủ tục, hồ sơ hải quan đối với các loại hàng hóa nhập khẩu thông thường, bảo đảm có thể thực hiện nhập khẩu

hàng hóa bị lưu giữ trong thực tiễn. Theo ý kiến của tác giả, các quy định này cần xem xét sửa đổi như sau:

- Cho phép người vận chuyển thực hiện bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ mà không cần phải thực hiện thủ tục hải quan về nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ. Các giấy tờ làm căn cứ để người vận chuyển ký kết hợp đồng với đơn vị nhận bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ bao gồm bản sao vận đơn hay chứng từ vận chuyển, báo cáo giám định hay chứng thư giám định về số lượng, chủng loại, chất lượng và giá trị hàng hóa bị lưu giữ để bán đấu giá, các chứng cứ về việc đã thực hiện thông báo lưu giữ hàng hóa và đăng tải thông báo lưu giữ hàng hóa trên phương tiện thông tin đại chúng hay các tờ báo theo quy định.

- Người trúng đấu giá trong quá trình bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ có nghĩa vụ thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đã được bán đấu giá. Hồ sơ hải quan nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ đã được bán đấu giá bao gồm các giấy tờ nêu ở phần liền kề trên đây, biên bản bán đấu giá xác định người trúng đấu giá, và hóa đơn thương mại do người vận chuyển cấp cho người trúng đấu giá.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị định 169/2016/NĐ-CP liên quan đến nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ và hồ sơ hải quan nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ theo đề xuất nêu trên bảo đảm có thể thực hiện được trong thực tiễn bởi lẽ hàng hóa bán đấu giá sẽ được các cá nhân, tổ chức Việt Nam mua và họ hoàn toàn có thể thực hiện nhập khẩu hàng hóa bị lưu giữ sau khi trúng đấu giá, phù hợp với quy định pháp luật về hải quan và tập quán thương mại quốc tế về nghĩa vụ thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc về người bán.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung nêu trên còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, khuyến khích các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài giải quyết nhanh chóng hàng hóa bị lưu giữ tại cảng biển, giảm thiểu hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, tiết kiệm chi phí cho các bên và lãng phí cho xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)