Thực trạng hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 42 - 48)

Như đã trình bày và phân tích ở phần trên, với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics trên thế giới cũng như Việt Nam đặc biệt là sự phát triển của dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển, thì việc hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển từ các nước và vùng lãnh thổ khác đến các cảng biển Việt Nam bị từ chối nhận hoặc không có người nhận là việc không tránh khỏi, và thực tế ngày càng nhiều, cần phải xử lý và giải quyết một cách đúng đắn và hiệu quả theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và lợi ích của các chủ thể kinh doanh liên quan.

Từ thực tiễn cho thấy một số trường hợp dẫn đến hệ quả hàng hóa bị tồn động lâu ngày và ngày càng nhiều tại các cảng biển Việt Nam như sau:

- Người nhận hàng trên chứng từ vận chuyển từ chối nhận hàng.

- Người gửi hàng không ghi đúng thông tin của người nhận hàng dẫn đến việc không thể xác định được người nhận để giao hàng.

- Các loại hàng không có người nhận hay bị từ chối nhận thường có giá trị thấp hay phế liệu có khả năng tái chế kém hay không thể tái chế.

- Có tranh chấp giữa người mua và người bán dẫn đến hàng hóa được vận chuyển bị trì hoãn trong việc giao nhận.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển chính là người vận chuyển hàng hóa trong thực tiễn không thể thực hiện được và cũng không muốn thực hiện việc lưu giữ và xử lý hàng hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hóa mà họ vận chuyển bằng đường biển đến các cảng biển Việt Nam trong các trường hợp nêu trên.

Theo quy định của pháp luật, người vận chuyển hoàn toàn có quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa trong các trường hợp được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các doanh nghiệp vận chuyển nói chung và doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài nói riêng gần như không thể thực hiện được việc lưu giữ và xử lý hàng hóa tại các cảng biển Việt Nam. Dưới đây là một ví dụ điển hình cho thấy doanh nghiệp vận

chuyển nước ngoài không thể thực hiện được quyền lưu giữ và xử lý hàng hóa bị người nhận hàng từ chối nhận trong thực tiễn.

- Ngày 11 tháng 8 năm 2017 Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd., ký kết hợp đồng vận chuyển bằng đường biển với Công ty Well Line Co., Ltd. để vận chuyển 9,002,000 MT sắt thép phế liệu Hàn Quốc về Việt Nam, trong đó Người giao hàng là Công ty GMR Materials Co., Ltd. Người nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú. Hàng hóa được vận chuyển trên tàu Xin Hai Sheng 17, thuộc sở hữu của Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd.

- Ngày 04 tháng 9 năm 2017 tàu về tới cảng Phú Mỹ theo đúng hợp đồng vận chuyển, và sau đó cập cảng PTSC Phú Mỹ để dỡ hàng giao cho người nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú.

- Sau khi đã dỡ được một khối lượng hàng hóa khoảng 10% tổng khối lượng hàng xuống cảng, ngày 18 tháng 9 năm 2017 Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú không tiếp tục nhận hàng vì cho rằng hàng không đúng chủng loại và chất lượng mà họ mua của người bán, cũng là người giao hàng theo hợp đồng vận chuyển. Tàu Xin Hai Sheng 17, do vậy, đã phải rời cảng Phú Mỹ, di chuyển ra neo đậu tại khu neo Vũng Tàu để chờ các bên liên quan đến hàng hóa giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau.

- Nhận thấy việc giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể có lợi ích liên quan đến hàng hóa có thể kéo dài và sẽ phát sinh các chi phí cũng như tổn thất ngày càng nhiều trong khi tàu Xin Hai Sheng 17 phải nằm chờ ở Vũng Tàu, Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd là người vận chuyển hàng hóa nêu trên đã dựa vào điều khoản lưu giữ hàng hóa trong hợp đồng vận chuyển, và căn cứ vào các quy định về lưu giữ hàng hóa trong Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 và Nghị định 169/2016/NĐ-CP để thực hiện quyền lưu giữ hàng hóa đối với khối lượng hàng hóa còn lại ở trên tàu vì số hàng hóa này đã bị người nhận hàng từ chối nhận. Do vậy, Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd. đã thực hiện thông báo lưu giữ hàng hóa gửi đến người giao hàng và người nhận hàng theo hợp đồng vận chuyển và các bên liên quan khác theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về trình tự, thủ tục và nội dung thông báo.

- Sau khi có thông báo lưu giữ hàng hóa gửi cho người giao hàng và người nhận hàng, ngày 15 tháng 10 năm 2017 Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd. đã ký kết hợp đồng xếp dỡ và lưu giữ số lượng hàng hóa đó với Công ty TNHH VNS-DAEWOO để xếp dỡ và lưu kho bãi hàng hóa bị lưu giữ nêu trên tại bãi cảng PTSC Phú Mỹ theo đúng trình tự và nội dung mà pháp luật Việt Nam quy định để Công ty TNHH VNS-DAEWOO lưu giữ và bảo quản hàng hóa đó.

- Tuy nhiên, khi Công ty TNHH VNS-DAEWOO thực hiện các thủ tục với chủ sở hữu cảng PTSC Phú Mỹ để đưa tàu Xin Hai Sheng 17 cập cầu trở lại để dỡ hàng hóa còn lại trên tàu xuống để lưu giữ, bảo quản hàng hóa theo hợp đồng ký kết với người vận chuyển hàng hóa là Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd., thì Công ty CP Cảng Dịch Vụ Dầu Khí Tổng Hợp Phú Mỹ là chủ sở hữu cảng PTSC Phú Mỹ và đã cho Công ty TNHH VNS-DAEWOO thuê một phần kho bãi của cảng PTSC Phú Mỹ để xếp dỡ và lưu kho hàng hóa, cho rằng hàng hóa đang có tranh chấp và không đồng ý cho Công ty TNHH VNS-DAEWOO xếp dỡ và lưu giữ hàng hóa theo hợp đồng mà Công ty TNHH VNS-DAEWOO đã ký kết với Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd., nếu không có được sự đồng ý của Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ cho phép lưu giữ hàng hóa tại cảng PTSC Phú Mỹ.

- Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd ngay lập tức báo cáo Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ về yêu cầu trên của chủ sở hữu cảng PTSC Phú Mỹ và đề nghị Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ đồng ý cho Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd dỡ hàng theo hợp đồng đã ký với Công ty TNHH VNS- DAEWOO để lưu giữ tại bãi cảng PTSC Phú Mỹ theo quy định của pháp luật.

- Ngày 10 tháng 11 năm 2017 Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ đã tổ chức cuộc họp với các bên nhằm xem xét, giải quyết yêu cầu nêu trên của người vận chuyển liên quan đến việc dỡ và lưu giữ hàng hóa tại bãi cảng PTSC Phú Mỹ. Tuy nhiên, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ không có bất kỳ ý kiến cụ thể gì về việc có đồng ý hay không đồng ý cho tàu dỡ hàng và lưu giữ tại cảng PTSC Phú Mỹ, vì Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ cho rằng vấn đề này thuộc về quyền tự định đoạt, tự quyết định của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và Chi

kiến về việc đồng ý hay không đồng ý cho tàu dỡ hàng và lưu giữ tại cảng PTSC Phú Mỹ.

- Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd sau đó đã nhiều lần làm việc và cố gắng thuyết phục chủ sở hữu cảng PTSC nhưng họ vẫn giữ nguyên ý kiến, chỉ đồng ý cho dỡ và lưu giữ hàng hóa còn lại trên tàu Xin Hai Sheng 17 tại bãi cảng PTSC Phú Mỹ khi Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ chấp thuận bằng văn bản.

- Sau đó, Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd tiếp tục có các văn bản, ý kiến đến Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đề nghị chấp thuận cho tàu Xin Hai Sheng 17 dỡ hàng hóa còn lại trên tàu và lưu giữ tại cảng PTSC Phú Mỹ nhưng vẫn không được giải quyết. Do vậy, Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd đã tiến hành tìm kiếm một cảng khác để có thể dỡ và lưu giữ tại đó thay vì cảng PTSC Phú Mỹ; tuy nhiên, cơ quan hải quan có thẩm quyền không cho phép bởi lẽ trước khi tàu đến Việt Nam để dỡ hàng theo hợp đồng vận chuyển, thì tàu đã khai báo sẽ dỡ toàn bộ hàng hóa tại cảng PTSC Phú Mỹ và người nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú cũng đã khai báo hải quan về việc tiếp nhận hàng hóa tại cảng PTSC Phú Mỹ để hải quan thực hiện nghiệp vụ giám sát và quản lý hải quan đối với hàng hóa. Trong trường hợp tàu Xin Hai Sheng 17 muốn chuyển sang cảng khác để dỡ hàng thì phải làm thủ tục và phải có sự đồng ý của người nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú và điều này là bất khả thi khi Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú đang có tranh chấp với người bán số lượng hàng hóa đó cho họ và không đồng ý cho tàu Xin Hai Sheng 17 chuyển cảng để dỡ hàng.

- Không còn cách nào khác, Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd xem xét thực hiện việc tái xuất hàng hóa cùng với tàu khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan hải quan có thẩm quyền tại địa phương yêu cầu người nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú phải tiến hành các thủ tục tái xuất hàng hóa theo quy định thì cơ quan hải quan có thẩm quyền mới phê duyệt cho tàu Xin Hai Sheng 17 tái xuất khối lượng hàng hóa trên tàu; và tương tự như vậy, điều đó cũng là công việc bất khả thi vì Công ty TNHH SX XD TM

Thiên Phú không đồng ý thực hiện; và con tàu cùng với hàng hóa trên tàu tiếp tục nằm chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết với tổn thất và chi phí ngày càng tăng.

- Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2020 Công ty Hongkong Tongxin Shipping Co., Ltd đã có gần 20 văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền như Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ, Cục hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục hải quan, Bộ tài chính, Văn phòng chính phủ, Cục hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đề nghị xem xét, giải quyết, hướng dẫn cho tàu dỡ khối lượng hàng hóa tại một cảng ở Việt Nam để thực hiện việc lưu giữ hoặc cho tàu tái xuất cùng với hàng hóa trên tàu do người nhận hàng đã từ chối nhận theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam và Nghị định 169/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, các yêu cầu và đề nghị đó không được xem xét, giải quyết một cách triệt để và thấu đáo.

Việc lưu giữ và xử lý hàng hóa là quyền của người vận chuyển đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tiễn đã nêu ở trên việc thực hiện các quyền này của người vận chuyển gần như là bất khả thi mặc dù họ mới chỉ thực hiện thủ tục đầu tiên trong quy trình lưu giữ và xử lý hàng hóa theo quy định; đó chính là dỡ hàng và lưu giữ hàng hóa. Ví dụ nêu trên cũng cho thấy sự kém hiệu quả của pháp luật hiện hành so với thực tiễn liên quan đến hoạt động lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển nói chung, đặc biệt khi là hàng hóa nhập khẩu do doanh nghiệp nước ngoài vận chuyển đến Việt Nam.

Sự kém hiệu quả nêu trên của các quy định pháp luật về lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại các cảng biển Việt Nam trong vụ việc điển hình nêu trên gây ra rất nhiều tổn thất, tốn kém cho chủ tàu, ước tính hàng triệu đô la Mỹ do không thể đưa tàu vào tiếp tục hoạt động bình thường trong hơn 02 năm, các chi phí phát sinh liên quan đến lương thuyền viên, quản lý chăm sóc tàu và gìn giữ, bảo quản hàng hóa trên tàu, chí phí neo đậu, đại lý,... Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cũng tốn không ít công sức, chi phí phát sinh tiếp nhận xử lý vụ việc và kết quả cũng không thể giải quyết triệt để và thấu đáo.

- Vào khoảng giữa tháng 05 năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện Tàu Xin Hai Sheng 17 đã rời khỏi khu vực neo đậu cùng toàn bộ thuyền viên và hàng hóa trên tàu khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép rời cảng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan nhà nước liên quan cũng đã áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm tìm kiếm và xác định xem tàu Xin Hai Sheng 17 hiện đang ở đâu và ra đi như thế nào. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có thông tin gì. Các chi phí neo đậu và các khoản tiền khác mà chủ tàu Xin Hai Sheng 17 phải trả vào ngân sách nhà nước gần một tỷ năm trăm triệu đồng vẫn chưa được thanh toán. Đơn vị từ chối nhận hàng là Công ty TNHH SX XD TM Thiên Phú sau đó lại có đơn khiếu nại đến nhiều nơi, nhiều cơ quan khác nhau, và các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm liên quan lại phải tiếp tục giải quyết các vấn đề phát sinh.

Sự việc nêu trên cho thấy, từ một chủ thể lẽ ra phải được pháp luật bảo vệ; tuy nhiên, lại không thể thực hiện được quyền luật định của mình do những khó khăn, vướng mắc trong thực tế không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo và triệt để, dẫn đến đơn vị vận chuyển hàng hóa trên tàu, chủ tàu và các thuyền viên trên tàu đã trở thành các chủ thể vi phạm pháp luật Việt Nam khi họ quyết định điều động tàu Xin Hai Sheng 17 cùng vời toàn bộ hàng hóa trên tàu rời khỏi lãnh thổ Việt Nam mà chưa được cấp phép rời cảng.

Thực tế, các doanh nghiệp làm ăn chân chính không ai muốn vi phạm pháp luật. Mục đích của họ chỉ là hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Việc vi phạm pháp luật của các chủ thể nêu trên là không đúng nhưng rõ ràng có thể hiểu được bởi lẽ mặc dù trong gần 3 năm ròng rã, họ đã liên tục yêu cầu, thỉnh cầu đến rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để họ có thể thực hiện quyền luật định của mình nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng một cách có tình, có lý; cuối cùng, họ buộc phải thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cũng chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Điều này, cũng cho thấy các quy định pháp luật về lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại các cảng biển Việt Nam còn chưa chặt chẽ, kém hiệu quả, còn chồng chéo với nhiều vướng mắc; quy trình, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, chưa thực sự

đi sâu, đi sát thực tiễn, không đảm bảo được tính hiệu lực và khả thi của pháp luật trong thực tiễn.

Ngoài ra, khối lượng khoảng gần 1.000 tấn sắt thép phế liệu đã được dỡ từ tàu Xin Hai Sheng 17 lên bãi cảng PTSC Phú Mỹ trước đó đến nay vẫn chưa được xử lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cảng và sẽ tiêu tốn nhiều chi phí của nhà nước khi phải thực hiện việc xử lý khối lượng hàng hóa này theo Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lưu giữ và xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài theo pháp luật việt nam (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)