Hệ thống chế độ BHXH là nội dung chính của pháp luật BHXH, pháp luật BHXH cụ thể hóa chính sách vào trong các chế độ. Mỗi chế độ có những quy định về thời gian hưởng và mức trợ cấp khác nhau, tùy thuộc vào mục đích của từng loại trợ cấp và mức độ suy giảm khả năng lao động, mức đóng góp và thời gian đóng góp với các quy định về đối tượng hưởng, điều kiện hưởng, thời gian hưởng và mức trợ cấp BHXH trong từng chế độ cụ thể. Vì thế mỗi loại chế độ khác nhau mà đối tượng hưởng có thể khác nhau.
Đối tượng được trợ cấp là chính bản thân người lao động tham gia BHXH, họ được hưởng đầy đủ các chế độ quy định tùy theo điều kiện, thời gian và mức hưởng cụ thể, thời gian hưởng có khi nằm trong quá trình lao động (chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) có khi thời gian hưởng lại nằm ngoài quá trình lao động (chế độ trợ cấp thất nghiệp, chế độ trợ cấp hưu trí) v.v.... nhằm bảo đảm các khoản thu nhập thay thế cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hay mất việc làm dẫn đến giảm hoặc mất hoặc khoản thu nhập, qua đó cũng bảo đảm nhu cầu sinh sống cần thiết cho họ cùng gia đình. Những biến cố làm giảm hoặc mất thu nhập của người lao động ở đây là những biến cố xuất phát từ công việc lao động như: mất việc làm, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tuổi già.
Bên cạnh đó đối tượng trợ cấp có thể là cho gia đình họ như: vợ chồng, con cái hoặc bố mẹ người lao động (chế độ trợ cấp tiền tuất). Nhằm đảm bảo một phần thu nhập khi người lao động (là trụ cột chính trong gia đình) chẳng may rủi ro mà thân nhân của họ đã già yếu không nơi nương tựa không có thu nhập, con cái của họ còn nhỏ có thể đảm bảo được cuộc sống, nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Xác định chính xác đối tượng được trợ cấp bảo hiểm cho mỗi chế độ sẽ giúp cơ quan BHXH chỉ trả đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo sự công bằng trong xã hội đồng thời hạn chế tối đa những hiện tượng nhầm lẫn và tiêu cực phát sinh.