Nguyên tắc pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội tại bảo hiểm xã hội tỉnh quảng ninh (Trang 37 - 39)

Nguyên tắc điều chỉnh pháp luật đối với BHXH là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và chi phối toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật BHXH trong việc điều chỉnh quan hệ BHXH, những nguyên tắc điều chỉnh pháp luật BHXH thể hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề đảm bảo ổn định đời sống, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội (Khoản 1, Điều 4, Luật BHXH số 58/2014/QH13).

Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, hay hiểu cách khác là gắn thu BHXH với chi chế độ BHXH là một trong những nguyên tắc đặc trưng cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung của BHXH. Thời gian đóng, mức đóng BHXH là những điều kiện cần để hưởng BHXH, ngoài ra trong một số trường hợp yếu tố này đặc biệt quan trọng đối với chế độ bảo hiểm dài hạn.

Việc chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội trong nguyên tắc này cũng được hiểu là BHXH thực hiện trên cơ sở số đông bù số ít, càng đông người tham gia BHXH, mở rộng nhiều nội dung BHXH thì gánh nặng đóng góp phí đối với từng người càng có cơ hội giảm xuống, sự san sẻ rủi ro càng được thực hiện dễ dàng hơn.

Thứ hai, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương cơ sở (Khoản 2, Điều 4, Luật BHXH số 58/2014/QH13).

Nguyên tắc này có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng được phân tích ở trên. Mục đích của nguyên tắc này là để mức hưởng các chế độ của người tham gia BHXH không quá thấp khi sự kiện BHXH phát sinh và bảo đảm an toàn quỹ BHXH. Nếu không đưa ra một mức đóng góp nhất định thì mức hưởng không đủ để bù đắp thu nhập khi mà mức hưởng các chế độ dài hạn chiếm ưu thế (cụ thể là chế độ hưu trí). Pháp luật BHXH hiện hành căn cứ tiền

lương, tiền công làm cơ sở đóng BHXH với mức sàn là lương cơ sở, mức trần là 20 tháng lương cơ sở để bảo đảm công bằng và bảo đảm ngân sách nhà nước không phải bảo trợ cho những mức bảo hiểm quá cao, ảnh hưởng đến an toàn quỹ BHXH và hoạt động chi ngân sách.

Thứ ba, NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH (Khoản 3, Điều 4, Luật BHXH số 58/2014/QH13).

Kể từ khi Luật BHXH năm 2006 ra đời cho đến Luật BHXH số 58/2014/QH13, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước luôn lấy việc đảm bảo quyền lợi của NLĐ là mục tiêu chính. Vì vậy NLĐ nếu có thời gian tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ hoặc ngược lại vẫn được hưởng chế độ hưu trí và thân nhân NLĐ vẫn được hưởng chế độ tử tuất. Ngoài ra, trong quá trình tham gia BHXH mà NLĐ có thời gian tham gia BHXH ngắt quãng, không liên tục sẽ không bị trừ đi mà vẫn được tính cộng dồn vào tổng thời gian tham gia. Nếu thời gian này NLĐ đã thanh toán chế độ 1 lần thì không được tính làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí và tử tuất.

Nguyên tắc này tạo sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, là cơ sở để mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Thứ tư, Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (Khoản 4, Điều 4, Luật BHXH số 58/2014/QH13).

Nguồn thu của BHXH, bao gồm thu do đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, đóng góp của Nhà nước trong một số trường hợp và các nguồn thu hợp pháp khác tạo thành quỹ BHXH. Các nguồn thu này khi đưa vào quỹ

BHXH một phần sẽ được chi dùng ngay (cho các trợ cấp BHXH ngắn hạn); nhưng phần lớn dùng để chi trả cho các trợ cấp BHXH dài hạn mà tính từ khi đóng phải hàng chục năm sau mới phải chi (nếu tính riêng cho một người).Vì vậy để đạt được mục tiêu làm tăng quy mô của quỹ BHXH, góp phần cải thiện cho các trợ cấp BHXH cả trợ cấp dài hạn và trợ cấp ngắn hạn; đồng thời đảm bảo cho các hoạt động của BHXH được tốt hơn cả trong hiện tại và tương lai thì quỹ BHXH phải được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích.

Thứ năm, việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH (Khoản 5, Điều 4, Luật BHXH số 58/2014/QH13).

Việc giải quyết chế độ BHXH vốn phức tạp, nhiều thủ tục, dễ phát sinh phiền hà, sách nhiễu từ tổ chức BHXH đối với đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Chính vì vậy, nguyên tắc này là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong giải quyết các chế độ BHXH cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động. Việc thực hiện các thủ tục đơn giản tạo điều kiện cho người lao động không mất thời gian và dễ tiếp cận các nội dung chế độ chính sách.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội tại bảo hiểm xã hội tỉnh quảng ninh (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)