Một số loại hình kinh doanh TMĐT phổ biến tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử kinh nghiệm của một số nước và đề xuất giải pháp áp dụng tại việt nam (Trang 76 - 78)

Một số loại hình kinh doanh TMĐT phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây có thể kể đến như:

- Bán lẻ hàng hóa qua hệ thống cửa hàng trực tuyến

Đối với loại hình kinh doanh này, người mua truy cập vào trang chủ mua bán tìm kiếm hàng hóa, sau đó gửi email đặt hàng; người bán sau khi nhận được thư đặt hàng, kiểm tra hàng hóa, gửi yêu cầu xác nhận mua hàng và phương thức thanh toán. Khi yêu cầu thanh toán được chấp nhận, người bán sẽ chuyển hàng cho người mua. Việc thanh toán có thể bằng phương thức trả tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt, đại lý vận chuyển do người bán chỉ định sẽ thu tiền giao hàng.

Với hình thức mua bán này, người bán sẽ tiết kiệm chi phí cửa hàng, chi phí thuê nhân viên bán hàng; người mua có thể dễ dàng lựa chọn, so sánh các mặt hàng của các cửa hàng trực tuyến khác nhau; việc mua bán có thể thực hiện tại mọi không gian, thời gian, giá cả hàng hóa có thể rẻ hơn so với mua bán truyền thống.

- Sàn giao dịch TMĐT theo hình thức mua theo nhóm

Đây là loại hình kinh doanh theo mô hình Groupon với nguyên lý hoạt động là khi có một số lượng đủ lớn người đăng ký mua 1 sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó sẽ được mua sản phẩm/dịch vụ đó với giá thấp hơn giá gốc theo mô hình WIN-WIN- WIN (khách hàng được lợi giảm giá, doanh nghiệp được quảng bá, sàn giao dịch thu được phần trăm doanh thu). Một số sàn giao dịch loại hình này ở Việt Nam như muachung.vn, hotdeal.vn, cungmua.vn…

Đối với hình thức này, doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch TMĐT đóng vai trò trung gian, là nơi kết nối giữa doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ và người mua hàng thông qua việc đăng tải sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT. Giao dịch mua bán hàng hóa chủ yếu được thực hiện qua internet từ khâu đặt hàng đến khâu thanh toán. Khách hàng có thể nhận hàng tại doanh nghiệp trung gian hoặc doanh nghiệp bán sản phẩm, đối với sản phẩm là dịch vụ thì người mua sử dụng dịch vụ tại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Phần lớn giao dịch theo hình thức này là loại hình TMĐT B2C, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chủ yếu cho các cá nhân nên bên bán hàng thường không xuất hóa đơn. Ngoài ra, việc đặt hàng, mua voucher, thanh toán được thực hiện online trên internet nên cơ quan thuế rất khó kiểm soát về số lượng và giá cả.

- Quảng cáo trực tuyến (Google Adwords), quảng cáo qua banner

+ Quảng cáo Google Adwords (trang liệt kê kết quả tìm kiếm của Google) cho phép doanh nghiệp trả tiền cho Google để được liệt kê ở những vị trí ngay trong trang đầu tiên khi khách hàng tìm kiếm với những từ khóa nhất định. Quảng cáo Google Adwords sẽ giúp các nhà tài trợ có thể tiếp thị website của mình đến đúng đối tượng khách hàng một cách có chọn lọc và hiệu quả nhất. Mỗi khi có khách hàng click vào mẫu quảng cáo của doanh nghiệp trên Google Adwords, doanh

nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng. Công ty Google có trụ sở tại Ailen, cung cấp dịch vụ quảng cáo Google Adwords cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các đại lý của Google tại Việt Nam (công ty CleverAds, VCCorp…), đây là hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến qua biên giới mà bên cung cấp dịch vụ là công ty nước ngoài, vì thế gây khó khăn cho cơ quan thuế thì đánh thuế đối hoạt động này.

+ Quảng cáo qua banner: Đây là loại hình quảng cáo trong đó bên sử dụng dịch vụ quảng cáo đặt các banner quảng cáo sản phẩm trên trang web của bên cung cấp dịch vụ quảng cáo (ví dụ: quảng cáo trên các trang báo điện tử). Số tiền mà bên thuê quảng cáo phải trả cho bên cung cấp dịch vụ quảng cáo dựa trên số lần người xem click vào banner quảng cáo hoặc trả một mức phí cố định hàng tháng.

Việc cung cấp dịch vụ quảng cáo nói trên hoàn toàn được thực hiện online trên internet, cơ quan thuế rất khó xác định được số lần người dùng click vào banner quảng cáo để ước tính doanh thu quảng cáo của người nộp thuế.

- Trò chơi trực tuyến

Hiện nay, loại hình kinh doanh game online đang diễn ra rất phổ biến. Các doanh nghiệp kinh doanh game online có thể tự sản xuất trò chơi hoặc mua bản quyền trò chơi từ nước ngoài, sau đó cung cấp trò chơi trên mạng. Người chơi muốn tham gia phải đăng ký thành viên (có thể mất phí hoặc miễn phí ban đầu), mua đồ, nâng cấp vật dụng sử dụng trong trò chơi thông qua việc nạp tiền thật (bằng thẻ cào điện thoại) để mua tiền ảo, sử dụng tiền ảo để nâng cấp, mua bán. Ngoài ra, người chơi có thể thực hiện các giao dịch bán tài sản ảo kiếm được trong game cho người khác để thu tiền thật. Giá trị giao dịch cao nhất có thể lên đến hàng tỷ đồng (Nguyễn Chí Dũng, 2013, tr. 82 – tr. 88).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử kinh nghiệm của một số nước và đề xuất giải pháp áp dụng tại việt nam (Trang 76 - 78)