Chính sách tín dụng của ngân hàng: Chính sách tín dụng của ngân hàng không hợp lý, ngân hàng không thực hiện việc phân tán rủi ro mà tập trung cho vay đối với một số nhóm khách hàng, một số ngành nghề nhất định. Việc cho vay quá nhiều vào một số bộ phận khách hàng hoặc một ngành kinh tế nào đó dẫn đến rủi ro rất cao cho ngân hàng khi nhóm khách hàng đó gặp khó khăn hoặc ngành nghề kinh tế mà nhóm khách hàng đó đang hoạt động không còn hấp dẫn thị trường.
Quy trình tín dụng còn nhiều hạn chế: Quy trình cho vay được mô tả giống như bảng tổng hợp các công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ chính thức cho tới khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng. Nếu như quy trình tín dụng không được hoàn thiện cho phù hợp với từng thời kỳ thì sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến rủi ro tín dụng.
Cán bộ tín dụng thiếu đạo đức: Lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, cán bộ tín dụng rất dễ bị cám dỗ bởi những cái lợi trước mắt mà người vay đem đến và sẽ cực kì nguy hiểm khi cán bộ tín dụng bị tha hóa, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật, cố tình không tuân thủ chính sách tín dụng, không chấp hành đúng quy trình cho vay, không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết, không đảm bảo các nguyên tắc cần thiết của TSĐB... Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp xảy ra là cán bộ tín dụng tiếp tay với khách hàng làm giả hồ sơ vay, định giá TSĐB lên quá cao so với giá trị thị trường để rút tiền ngân hàng.
Trình độ, năng lực chuyên môn của một số nhân viên ngân hàng còn hạn chế:
điều này đã làm ảnh hưởng đến tính chính xác trong quá trình đánh giá tình hình hoạt động của khách hàng, không am hiểu về thị trường, thiếu thông tin hoặc phân tích thông tin không đầy đủ dẫn đến cho vay và đầu tư không hợp lý.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng còn hạn chế: Bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ ngân hàng có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát các khoản vay nhằm kịp thời phát hiện ra những sai sót và những vấn đề bất hợp lý có thể sẽ dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, để có những giải pháp xử lý kịp thời, hạn chế rủi ro xảy ra. Tuy nhiên trên thực tế, công việc kiểm soát kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, kiểm tra kiểm soát nội bộ cần phải được xem như một công cụ hữu hiệu trong vẫn đề phát hiện, phòng ngừa rủi ro tín dụng.
Thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay: Các ngân hàng thường có thói quen tập trung nhiều công sức cho việc thẩm định trước khi cho vay mà không chú trọng trong quá trình kiểm tra kiểm soát vốn sau khi cho vay. Khi ngân hàng cho vay thì khoản vay cần được theo dõi và giám sát việc sử dụng vốn vay nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích với phương án ban đầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua các NHTM chưa thực hiện tốt công tác này.
Tóm lại, trên thực tế rủi ro tín dụng khách hàng cá nhân có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Do vậy, bên cạnh việc đánh giá nhận định các yếu tố kinh tế vĩ mô, các NHTM cần phải có những biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng ngay từ khi bắt đầu những khâu đầu tiên của một món vay, trong và sau món vay đó. Đồng thời, phải có những biện pháp cụ thể để tránh gặp những rủi ro phát sinh do các nguyên nhân trên gây ra.