Khu vực hóa, toàn cầu hóa đã, đang và sẽ là một xu hướng tất yếu mà mọi doanh nghiệp, mọi ngành, mọi chính phủ phải tính đến.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, các doanh nghiệp từng bước hội nhập với các xu hướng mới từ nước ngoài, hướng khách hàng đến các phương thức mua hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có phương thức thanh toán bằng mã QR. Xu hướng thanh toán bằng mã QR đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Phát triển phương thức thanh toán bằng mã QR là góp phần tích cực trong phát triển thương mại và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Thanh toán bằng phương thức quét mã QR là hình thức thanh toán tiên tiến, sử dụng công nghệ cao vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất hiện đại, vốn đầu tư cao mới có thể đáp ứng được. Các giao dịch thanh toán bằng mã QR với độ an toàn và bảo mật cao, hai lớp xác thực giao dịch sẽ giúp người tiêu dùng thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến. Một trong các điều kiện đầu tiên để triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR chính là công nghệ. Có thể nói công nghệ là loại nhân tố có ảnh hưởng lớn, trực tiếp cho chiến lược kinh doanh phương thức thanh toán bằng mã QR trong lĩnh vực Ngân hàng và trung gian thanh toán cũng như nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử.
Với thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có kết nối 3G/4G/Wifi, người dùng có thể trao đổi thông tin giữa các cộng đồng mạng hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến ngay trên thiết bị di động với độ an toàn và bảo mật hơn khi sử dụng trên kênh internet banking. Có thể nói đây là một trong những phương thức được đánh giá là tiềm năng và mang lại nhiều tiện lợi cho cả khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Các doanh nghiệp hiện đang bán hàng thu phí qua tiền mặt cũng dần chuyển hướng khách hàng sang sử dụng phương thanh toán này để hạn chế thất thoát và tuân thủ theo các quy định của nhà nước trong thời gian tới.
Thanh toán bằng phương thức quét mã QR của Ngân hàng, Ví điện tử cung cấp là một hình thức thanh toán mới rất quan trọng, không chỉ tối ưu hóa dịch vụ trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, góp phần công nghệ hóa lực vực thanh toán mà còn tác động đến hoạt động vĩ mô của Nhà nước. Vì vậy nó cần được áp dụng theo những quy định nhất định và được thực hiện trong khuôn khổ quy định
của nhà nước. Việc triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR mang lại lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó kiểm soát như rửa tiền, thanh toán chui, …
Việt Nam hiện có hơn 20 ngân hàng, 15 ví điện tử đang áp dụng phương thức thanh toán bằng mã QR. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chuẩn chung về mã QR nên gây ra một số khó khăn cho hoạt động thanh toán. Ví dụ, khách hàng đang cài ứng dụng của ngân hàng A thì có thể không thanh toán được sản phẩm được cài mã QR theo tiêu chuẩn của ngân hàng B.
Vì vậy để thống nhất tiêu chuẩn cơ sở về mã QR chung, Ngân hàng nhà nước đã thống nhất ban hành bộ tài liệu về chuẩn QR mới. Bộ tài liệu này được ban hành sẽ là tài liệu thống nhất về cách đọc, hiển thị thông tin mã QR và cách biến đổi định dạng tin điện thanh toán. Tuy nhiên, hiện tiêu chuẩn này chưa bắt buộc tất cả các đơn vị phải thực hiện. Thay vào đó, tùy thuộc vào điều kiện và hạ tầng công nghệ, các trung gian thanh toán có thể lựa chọn phương án xây dựng, và kết nối giữa các bên.