Ấn Độ hiện tại có tới 300 triệu người dùng thiết bị di động và cứ mỗi tháng, con số này sẽ tăng thêm 20 triệu. Các công ty trong nước và nước ngoài sớm nhận ra hình thức thanh toán thông qua mã QR sẽ là giải pháp lý tưởng nhất để phát triển thanh toán di động tại đất nước này mà không phải tốn quá nhiều chi phí hạ tầng. Các ví điện tử bắt đầu mọc lên, nổi bật là Paytm, mRuppee, cạnh tranh với ứng dụng của các tổ chức quốc tế là mVisa và Masterpass, hay ứng dụng do tổ chức thanh toán trong nước ban hành là RuPay.
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các mạng lưới thanh toán kỹ thuật số như RuPay, MasterCard, và Visa phải có một công nghệ dựa trên mã QR để giúp các thương gia vượt qua giai đoạn giao dịch tiền mặt bằng “thẻ nhựa”. Thương gia có thể hiển thị mã QR tại quầy tính tiền của họ, khách hàng có thể quét bằng điện thoại di động của họ và thanh toán thông qua ứng dụng của RuPay, Mastercard hoặc Visa.
Ngoài ra, để đồng bộ trong việc phát triển thanh toán di động, Chính phủ Ấn Độ đã phối hợp cùng các tổ chức thanh toán lớn là NPCI, Visa, MasterCard và American Express cho ra đời mã Bharat QR. Mã Bharat QR được tạo ra dựa theo các quy định của ngân hàng Trung Ương Ấn Độ (Reserve Bank of India) và được coi là chuẩn QR tại Ấn Độ. Các chủ doanh nghiệp chỉ cần đặt một loại mã QR duy nhất mà không lo
khách hàng của mình không có loại thẻ hay ứng dụng tương thích. Đây là bước đi mang tính quyết định trong việc phát triển thanh toán di động tại đất nước đông dân thứ hai trên thế giới này.
Có thể nói Ấn độ Ấn Độ là đất nước đi tiên phong trong việc đồng bộ hóa thị trường thanh toán di động với một chuẩn mã QR chung, và đây cũng là hướng đi hợp lý cho Việt Nam trong bối cảnh thị trường đón nhận hàng loạt các giải pháp thanh toán bằng mã QR.