Nguồn vốn và quản lý nguồn vốn của NHCSXH cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách hàng. Khác các NHTM, NHCSXH không được quyền lựa chọn khách hàng để cho vay, nguồn lực về vốn chủ yếu do Nhà nước giao để thực hiện cho vay theo sự chỉ định của chính phủ. Vì vậy việc mở rộng qui mô đầu tư, đối tượng khách hàng phục vụ, nguồn vốn của NHCSXH phần lớn phụ thuộc vào Nhà nước. Ngoài ra khả năng về nguồn vốn và quản lý nguồn vốn còn bị ảnh hưởng bởi trình độ năng lực và kiến thức làm ăn của khách hàng. Khách hàng vay vốn có kiến thức làm ăn sẽ có điều kiện trả nợ được cho Ngân hàng, rủi ro của NHCSXH có thể giảm, quản lý rủi ro và quản lý nguồn vốn của NHCSXH cũng có những thuận lợi hơn.
* ** *
Phát triển hoạt động huy động vốn bao giờ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng. Với vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và có tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển kinh tế nông thôn, chúng ta khẳng định rằng các NHCSXH là một trong những công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Tuy vậy, các NHCSXH có những đặc trưng khác biệt cơ bản so với các NHTM khác do sự khác biệt về khách hàng, thị trường. Vì vậy, yêu cầu về phát triển hoạt động huy động nguồn vốn của NHCSXH có sự khác biệt rõ nét so với các NHTM khác.
Trong chương 1, các vấn đề trên đã được tổng kết và trình bày theo logic, với mục tiêu chung là tổng hợp lại các vấn đề lý luận chung về các NHCSXH, hoạt động huy động vốn và sự phát triển hoạt động huy động vốn, cũng như bảy nhân tố chủ quan và bốn nhân tố khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động huy động vốn của NHCSXH. Đây là cơ sở lý thuyết quan trọng cho việc phân tích thực trạng phát triển hoạt động huy động vốn của NHCSXH Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008, cũng như các giải pháp phát triển hoạt động huy động vốn của NHCSXH Việt Nam trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2