8. Kết cấu của luận án
3.1.1. Định hướng và mục tiêu pháttriển của các doanh nghiệp sản xuất
Ngành xi măng là ngành giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia và góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, làm tiền đề cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác, góp phần nâng cao mức sống và ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội.
Xi măng có vai trò rất quan trọng đối với Ngành Xây dựng và là một trong số những vật liệu đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong mọi công trình xây dựng lớn nhỏ. Trải qua 30 năm, Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam từng bước phát triển lớn mạnh từ những nhà máy sản xuất xi măng với số lượng nhỏ bé, thô xơ ban đầu và dần mở rộng thành các nhà máy xi măng có quy mô to lớn với quy trình công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh.
Xi măng được ví là bánh mỳ của ngành xây dựng bởi lẽ tất cả các công trình xây dựng đều phải có vật liệu xi măng như xây dựng các công trình dân dụng, công trình công nghiệp dù trên cạn hay dưới biển đều phải dùng đến xi măng. Xi măng từ chỗ là sản phẩm dịch vụ chuyển sang sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế ngày càng cao. Ngày nay, xi măng là một ngành kinh tế công nghiệp, xi măng không những được tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Mặc dù, Việt Nam là nước tiếp cận với công nghệ sản xuất xi măng chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam cũng trải qua gần như tất cả các chặng đường mà xi măng thế giới đi qua và ngày nay, xi măng Việt Nam cũng đang hướng tới một ngành phát triển bền vững, có công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn, sản phẩm đa dạng chất lượng cao, từng bước cải thiện môi trường và hội nhập vào xi măng thế giới.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, quy mô và năng suất đều tăng, đáp ứng nhu cầu xi măng cho phát triển đất nước. Tại cuộc Hội thảo Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững đã cho thấy các DN xi măng Việt Nam đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất lớn về xi măng trong khu vực. Hiện nay, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục có sự phát triển, tất cả các chủng loại vật liệu xây dựng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng được yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, trong đó xi măng là một trong những sản phẩm giữa vai trò chủ đạo.
Ngành công nghiệp xi măng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân và là một nhu cầu cấp thiết gắn liền với sự phát triển của đô thị hóa. Xi măng là một ngành có hiệu quả kinh tế sản xuất cao, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn, lượng vận tải đầu vào, đầu ra lớn và vốn đầu tư cao. Xi măng luôn là vật liệu xây dựng cơ bản và thông dụng nhất được sử dụng rộng rãi trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, quốc phòng và cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập quốc nội. Tất cả các ngành kinh tế đều cần tới xi măng và sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng kéo theo nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác phát triển như xây lắp, sản xuất thiết bị phụ tùng, bê tông, bao bì và các dịch vụ tư vấn khảo sát thiết kế, thăm dò chất lượng và trữ lượng. Bên cạnh đó ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Xuất phát từ tầm quan trọng của Ngành vật liệu xây dựng nói chung và Ngành công nghiệp xi măng nói riêng trong công cuộc phát triển đất nước vì vậy Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cụ thể trong quyết định số 1266/QĐ-TTg ban hành ngày 18 tháng 8 năm 2020. Quyết định này nêu rõ định hướng phát triển của Ngành xi măng là phát triển ngành xi măng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời cần ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý của cuộc CMCN 4.0 và hạn chế tố i đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác và sản xuất xi măng.
Mục tiêu cụ thể cho Ngành xi măng được cụ thể hóa qua bảng 3.1 dưới đây:
Bảng 3.1: Mục tiêu phát triển của Ngành xi măng đến năm 2030
Về đầu tư
- Chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clanhke xi măng có công suất một dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn clanhke/ngày.
- Đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn
2.500 tấn clanke/ngày phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.
Về công nghệ:
-Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.
- Đến hết năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.
- Đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.
- Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clanhke xi măng.
Về khai thác và sử dụng tài nguyên:
- Khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; khuyến khích khai thác âm, khai thác theo công nghệ khoan hầm.
- Sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên
liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng.
Về bảo vệ môi trường: -100% các cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; tăng cường chuyển đổi lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi vải.
- Các cơ sở sản xuất xi măng phải có thiết bị giám sát nồng độ bụi tại nguồn thải và kết nối trực tuyến các thiết bị này với cơ quan quản lý
môi trường tại địa phương.
Về sản phẩm:
- Nâng cao chất lượng sản phẩm xi măng; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm xi măng chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.
- Chú trọng phát triển sản xuất xi măng mác cao, xi măng bền sun phát
cung cấp cho công trình biển, xi măng giếng khoan dầu khí, xi măng bền trong môi trường xâm thực.
Theo đó, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng giải pháp của ngành xi măng trong thời gian tới là kết hợp đồng bộ giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các ngành và các lĩnh vực, rà soát lại định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới, đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, chú trọng giải pháp bán hàng, sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm tạo sự gắn kết và tăng cạnh tranh trên thị trường.
Như vậy, định hướng phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam phù hợp với điều kiện trong nước và thích ứng với sự phát triển của ngành xi măng thế giới, đồng thời, từng bước khắc phục những hạn chế của ngành, tiến đến phát triển bền vững ngành xi măng trong tương lai.
Các DNSX xi măng niêm yết tại Việt Nam là một trong những DN hàng đầu của ngành, hoạt động của các DN này có ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng phát triển và vị thế của ngành xi măng. Trên cơ sở định hướng phát triển ngành công nghiệp xi măng và dựa trên cơ sở phân tích thông tin môi trường, tăng trưởng thị trường, HQKD, năng lực sản xuất, khả năng tài chính, khả năng công nghệ, các DNSX xi măng niêm yết tại Việt Nam đã đặt ra những định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030 như sau:
Thứ nhất, xác định sản xuất xi măng là chủ chốt và chỉ đa dạng hóa những ngành nghề có liên quan đến ngành xi măng là chính. Tập trung đầu tư ngành công nghiệp xi măng, sau đó ưu tiên ngành gần xi măng như bê tông trộn sẵn, các ngành cốt liệu (sản phẩm sau xi măng). Tập trung triển khai áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật để đạt và vượt công suất thiết kế, nhằm giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm.
Thứ hai, tập trung xây dựng các DNSX xi măng niêm yết tại Việt Nam trở thành những thương hiệu mạnh trong ngành, cung cấp các sản phẩm với chất lượng và dịch vụ vượt trội, tập trung tư vấn đào tạo công nhân kỹ thuật ngành xi măng và trên lĩnh vực tài chính sẽ rút dần các ngành kinh doanh không chủ chốt như bao bì. Bên cạnh đó, các
dự án đầu tư mới phải đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, phấn đấu trở thành những DN đi đầu trong sản xuất xi măng gắn với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững. Muốn vậy, cần đạt được các tiêu chí pháttriển bền vững ngành xi măng gồm: Bảo vệ khí hậu; sử dụng có trách nhiệm trong lò xi măng các nhiên liệu và nguyên liệu thô; đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động; giảm lượng khí thải; tiến hành đánh giá tác động môi trường và xã hội; xây dựng các quy trình hành động nội bộ của DN thông qua việc lồng ghép vào hệ thống quản lý và các mối quan hệ với đối tác kinh doanh và xã hội dân sự.
Thứ tư, hướng tới xuất khẩu xi măng phát triển bền vững. Đầu tư có chiều sâu, bền vững cho thị trường xuất khẩu từ khâu tìm kiếm, khai thác thị trường, logistics đến các vấn đề nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Thứ năm, thực hiện cam kết đối với cổ đông là nỗ lực thỏa mãn lợi ích của các cổ đông lớn cũng như các cổ đông nhỏ, phấn đấu đạt tỷ suất lợi nhuận tối ưu trên vốn đầu tư; chú trọng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước; đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi của các cổ đông và các bên có lợi ích liên quan.
Thứ sáu, tiếp tục đầu tư xây dựng mới và đổi mới công nghệ để duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã, số lượng mặt hàng xi măng. Nghiên cứu các cơ hội kinh doanh mới nhằm giảm khoảng cách cung- cầu xi măng trên thị trường.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như: Dự án tận dụng nhiệt thải lò nung trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện; tận dụng nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên, nhiên liệu cho ngành xi măng; từ đó góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo vệ môi trường.
Thứ tám, nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo trong DN, đồng thời, chú ý xây dựng đội ngũ nhân viên tinh nhuệ, tạo dựng các DNSX xi măng niêm yết trở thành những môi trường cho sự phát triển bằng cách tạo cơ hội cho sự phát triển và thành đạt của người lao động.