Đo lường phát triển tài chính

Một phần của tài liệu LUAN AN - CMH (Trang 43 - 46)

6. Cấu trúc của luận án

2.1.3 Đo lường phát triển tài chính

Trên cơ sở nội hàm khái niệm về phát triển tài chính, về lý thuyết có thể xây dựng một loạt chỉ số đại diện cho phát triển tài chính. Theo WB, có khoảng 100 chỉ số khác nhau đại diện cho các chiều cạnh của phát triển tài chính theo cách tiếp cận xem hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng (bank-based financial system) hoặc dựa vào thị trường (market-based financial system) [137]. Theo mỗi cách tiếp cận, các chỉ số được phân loại theo 4 nhóm tiêu chí lớn, gồm: độ sâu tài chính (financial depth), tiếp cận tài chính (financial access), tính hiệu quả (efficiency), và tính ổn định (stabilization). Trên góc độ phát triển tài chính dựa vào ngân hàng, tiêu chí độ sâu tài chính và tiếp cận tài chính được sử dụng phổ biến hơn trong các nghiên cứu kinh tế, trong đó có một số tiêu chí cụ thể sau. 2.1.3.1 Độ sâu tài chính

Độ sâu tài chính phản ánh quy mô hay độ lớn của thị trường tài chính dựa trên hệ thống ngân hàng trong tương quan với quy mô nền kinh tế. Độ sâu tài chính càng lớn càng cho thấy khả năng của thị trường tài chính trong việc huy động và đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, vốn tài chính cho các hoạt động kinh tế càng cao. Ý nghĩa của một số chỉ tiêu đại diện cho độ sâu tài chính phổ biến và thường được sử dụng trong các nghiên cứu như sau:

+ Tỷ lệ (%) giữa dư nợ tín dụng cho khu vực KTTN so với GDP (ký hiệu là Pcredit) cho biết quy mô tổng các khoản vay tín dụng mà các ngân hàng và TCTD khác cung ứng cho các hộ gia đình và tổ chức phi tài chính nhằm thực hiện các dự án đầu tư và nhu cầu tiêu dùng khác. Tỷ lệ này cao sẽ hàm ý hộ gia đình hay doanh nghiệp có thể sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn và ít phải sử dụng vốn tự có để thực hiện các dự án đầu tư và nhu cầu tiêu dùng khác, qua đó tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tài chính. Mặc dù vậy, tiêu chí này chưa phản ánh hết phạm vi cấp tín dụng của thị trường.

+ Tỷ lệ % giữa dư nợ huy động tiết kiệm so với GDP cho thấy năng

lực của hệ thống ngân hàng trong việc huy động các nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp để tài trợ cho các dự án đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Tiêu chí này càng lớn cho biết nguồn tiền và tài sản tài chính dư thừa trong dân cư càng lớn, và là sự đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của thị trường cho vay tín dụng, bởi huy động tiết kiệm là nguồn cung tín dụng quan trọng nhất của các TCTD.

+ Tỷ lệ (%) giữa cung tiền M2 so với GDP không chỉ phản ánh quy mô cung tiền trong nền kinh tế và còn phản ánh đặc điểm của chính sách tiền tệ (CSTT). Sự tăng lên của tỷ lệ này căn bản thể hiện sự gia tăng mức độ các giao dịch kinh tế được thực hiện thông qua các công cụ tài chính và hệ thống tài chính, và ở một góc nhìn khác có thể cho thấy một ngân hàng trung ương đang theo đuổi một chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 2.1.3.2 Tiếp cận tài chính

Tiếp cận tài chính là tiêu chí phản ánh chiều phát triển về phạm vi của hệ thống các TCTD. Ý nghĩa của một số tiêu chí cụ thể như sau:

+Tỷ lệ số chi nhánh NHTM/100.000 người trưởng thành: chỉ tiêu này cho biết mức độ bao phủ của hệ thống ngân hàng so với quy mô dân số, qua đó phản ánh tính sẵn của dịch vụ ngân hàng và khả năng đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu về dịch vụ tiết kiệm, vay tín dụng và các dịch vụ khác đến đông đảo các tầng lớn dân cư.

+ Tỷ lệ (%) số doanh nghiệp (hoặc doanh nghiệp SME) được cấp hạn mức tín dụng cho biết khả năng một doanh nghiệp bất kỳ có thể huy động vốn tín dụng cho sản xuất, đầu tư. Tiêu chí này càng lớn càng cho thấy thị trường tín dụng là thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng với nhiều doanh nghiệp hơn, và sự thuận lợi này có thể đến nhờ quy mô thị trường lớn, hoặc quy trình cấp tín dụng ít phức tạp, hoặc chi phí giao dịch thấp, hay nói chung tính thanh khoản của các công cụ tài chính là cao.

+ Tỷ lệ (%) hộ gia đình sử dụng các loại hình dịch vụ tài chính: cho

biết tỷ lệ số hộ gia đình có thể tiếp cận hệ thống ngân hàng trong vai trò là người gửi tiết kiệm, hoặc người vay tín dụng, hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính khác như dịch vụ bảo hiểm, chuyển tiền. Trên thực tế, tiêu chí này dễ được xác định nhất là thông qua tỷ lệ hộ gia đình có tiền gửi tiết kiệm, và hoặc tỷ lệ hộ có khoản vay tín dụng do ngân hàng cấp. Các tỷ lệ càng lớn càng cho thấy hộ gia đình dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, một phần phản ánh khả năng hộ da dạng hóa nhu cầu tài chính, một phần phản ánh khả năng hệ thống tài chính mở rộng phạm vi huy động và cung cấp dịch vụ tín dụng tới các địa bàn dân cư khác nhau.

2.1.3.3 Hiệu quả hoạt động và tính ổn định

Hiệu quả hoạt động: Một hệ thống NHTM có hiệu quả hoạt động cao sẽ đảm bảo khả năng mở rộng của hệ thống sau mỗi giai đoạn nhất định. Chỉ tiêu này cũng đảm bảo khả năng hệ thống NHTM có khả năng đổi mới về công nghệ. Hiệu quả hoạt động cao cũng có nghĩa là khác hàng (hộ gia đình, doanh nghiệp) sẽ được hưởng lợi nhờ quá trình tư vấn và quản lý dòng tiền mà các NHTM cung cấp cho khách hàng.

Tính ổn định: đảm bảo cho sự vận hành của hệ thống NHTM được diễn ra đều đặn và qua đó tác động tích cực tới các hoạt động kinh tế. Hệ thống NTHM ổn định cũng là điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tránh các đỗ vỡ hệ thống.

Một phần của tài liệu LUAN AN - CMH (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(178 trang)
w