Trình độ giáo dục

Một phần của tài liệu LUAN AN - CMH (Trang 63 - 65)

6. Cấu trúc của luận án

2.4.6 Trình độ giáo dục

Trình độ giáo dục là biểu hiện quan trọng nhất của vốn con người và là một yếu tố quyết định tới thu nhập và tăng trưởng thu nhập của một cá nhân hay cả một nền kinh tế. Coi trình độ giáo dục như một mục tiêu hay dự án đầu tư sẽ phản ánh rõ hơn cơ chế phát triển tài chính thông qua kênh này tác động tới phân phối thu nhập. Trong một nền kinh tế, có nhiều cá nhân và trình độ giáo dục là khác nhau, nhưng có thể chia ra hai nhóm: một nhóm đạt được một trình độ giáo dục hoàn toàn do năng lực cá nhân, đặc điểm nhân khẩu học và các điều kiện khác nhưng không liên quan tới phát triển tài chính (chẳng hạn, không được vay vốn khi đi học hay được trợ cấp giáo dục từ các quỹ tài chính), và một nhóm mà trình độ giáo dục đạt được có một phần là nhờ được hỗ trợ bởi các công cụ tài chính (chẳng hạn tín dụng giáo dục, học bổng từ các quỹ tài chính).

Với các giả định như vậy, đối với nhóm thứ nhất, những người có trình độ giáo dục cao hơn có thể vận dụng kiến thức để có việc làm tốt (tại ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính), hay thực hiện các đầu tư khôn ngoan (chứng khoán, bất động sản, tài sản có giá khác) để tạo nguồn thu nhập. Vì phát triển tài chính không tác động (làm tăng hoặc giảm) tới trình độ giáo dục của nhóm này, mà ngược lại trình độ giáo dục ảnh hưởng tới khả năng tạo thu nhập của họ, nên nó là yếu tố ảnh hưởng. Ngược lại, nhóm hai thực hiện các hành vi kinh tế tương tự như nhóm một, nhưng vì một phần trong trình độ giáo dục của họ có được là nhờ phát triển tài chính, sau đó trình độ giáo dục mới phát huy vai trò trong việc tạo thu nhập, nên trình độ giáo dục đóng vai trò là kênh tác động. Mặc dù vậy, do không phải toàn bộ trình độ giáo dục của nhóm này được hình thành nhờ tác động của phát triển tài chính, nên với nhóm này trình độ giáo dục vừa là kênh tác động vừa là nhân tố ảnh hưởng.

Trong môi trường thực tế ở các nước đang phát triển, nơi thị trường tài chính chủ yếu là phục vụ sản xuất kinh doanh, chứ không phải là cung ứng vốn tín dụng cho người thu nhập thấp để họ tài trợ cho nâng cao vốn con người, thì rất khó có thể quan sát được cách thức phát triển tài chính tác động tới phân phối thu nhập thông qua kênh truyền dẫn này. Tuy nhiên, có thể mô tả một quá trình sau như một cách luận giải về kênh truyền dẫn này. Một hộ gia đình thu nhập thấp (cả các hộ có thu nhập cao), không kể các yếu tố khác, về cơ bản thiếu vốn cho đầu cho sản xuất, kinh doanh, và tổ chức tài chính thường không có sản phẩm cho vay để đầu tư giáo dục bởi thời gian thu hồi vốn và lãi của ngân hàng sẽ rất dài và ẩn chứa nhiều rủi ro. Một gia đình khi vay được vốn từ thị trường tài chính, mặc dù mục đích vay là gắn với một dự án đầu tư, nhưng nhờ có khoản vốn này, họ có thể sẵn sàng hơn trong việc sử dụng các nguồn tài sản tự có để đầu tư vào giáo dục cho chính bản thân mình hay cho con cái của họ. Vì thế, dù các khoản vay không trực tiếp được sử dụng cho đầu tư vào giáo dục, nhưng nó làm tăng cơ hội đầu tư vào giáo dục của nhiều hộ gia đình trên thực tế.

Một cách khái quát, giả định phân phối dân cư của một nền kinh tế theo trình độ giáo dục được chia thành hai nhóm, nhóm I có trình độ cao và thu nhập bình quân cao, nhóm II có trình độ thấp và thu nhập bình quân thấp hơn. Giả định tại một thời điểm, khoảng cách về trình độ giáo dục giữa hai nhóm là lớn; dân số nhóm I thấp hơn nhóm II đáng kể. Khi đó, nếu sự hoạt động của thị trường tài chính và kéo theo đó là sự phát triển tài chính tác động làm cho mức độ cải thiện về trình độ giáo dục của nhóm I nhanh hơn nhóm hai, với điều kiện lợi suất giáo dục (return to eduation) cố định, thì phát triển tài chính sẽ làm tăng khoảng cách thu nhập giữa nhóm I và nhóm II. Ngược lại, nếu nhờ tác động của phát triển tài chính mà mức độ cải thiện về trình độ giáo dục của nhóm II cao hơn nhóm I, thì khoảng cách thu nhập của hai nhóm sẽ thu hẹp lại.

Một phần của tài liệu LUAN AN - CMH (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(178 trang)
w