6. Cấu trúc của luận án
2.4 Các kênh tác động của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập
Sự phát triển của hệ thống trung gian tài chính tác động tới phân phối thu nhập theo nhiều kênh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều tác động tới khả năng tiếp cận và sử dụng các nguồn lực sinh kế của con người. Ngoài kênh tác động, hiệu ứng do phát triển tài chính tạo ra đối với bất bình đẳng thu nhập có thể chịu ảnh hưởng với nhiều nhân tố khác (gọi là nhân tố ảnh hưởng). Tuy vậy, danh giới giữa kênh tác động và nhân tố ảnh hưởng đôi khi không thật rõ ràng, vì vậy trước tiên đi vào nội dung của từng kênh tác động (cũng như từng nhân tố ảnh hưởng ở phần tiếp theo), việc phân biệt sự khác nhau giữa kênh tác động và yếu tố ảnh hưởng là cần thiết.
Trong mối quan hệ cụ thể phát triển tài chính – bất bình đẳng, một biến số nếu được xem là kênh tác động thì nó trước tiên chịu ảnh hưởng của phát triển tài chính, sau đó nó tạo ra hiệu ứng tới thu nhập và phân phối thu nhập. Chẳng hạn, xem xét biến đầu tư. Ngay cả khi nền kinh tế không có thị trường tài chính, hoạt động đầu tư của hộ dân cư, doanh nghiệp vẫn diễn ra, nhưng suất đầu tư có thể cao và lợi suất đầu tư có thể thấp. Khi thị trường tài chính hình thành, quy mô đầu tư được mở rộng hơn, và lợi suất cao hơn, nhờ đó thu nhập của dân cư hay chủ doanh nghiệp cũng lớn hơn so với trường hợp không có thị trường tài chính. Vì việc mở rộng đầu tư là nhờ có sự có mặt của các định chế trung gian tài chính, đầu tư là kênh tác động của phát triển tài chính tới thu nhập và phân phối thu nhập. Một cách tương tự, các biến kinh tế như thương mại, lạm phát đều tồn tại ngay cả khi nền kinh tế hệ thống tài chính chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng có mức độ phát triển thấp. Đến khi thị trường tài chính đạt mức độ cao hơn, nó tác động tới các quá trình thương mại, biến động giá cả, và sau đó những yếu tố này ảnh hưởng tới thu nhập và phân phối thu nhập, nên thương mại hay lạm phát cũng có thể coi là các kênh tác động.
Trong khi đó, một biến số gọi là yếu tố ảnh hưởng có thể hiểu là nó không chịu tác động trực tiếp của phát triển tài chính, nghĩa là sự biến động về mặt chất lượng hay số lượng (tăng hay giảm) trong biến số này không chịu tác động của
phát triển tài chính. Thay vào đó, yếu tố này lại có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình thu nhập được tạo ra từ hoạt động của thị trường tài chính và phát triển tài chính. Ví dụ, xem xét yếu tố thể chế, như quy định về mức lãi suất trên hệ thống ngân hàng. Mặc dù trong một thời kỳ chẳng hạn 1 năm, một sự điều chỉnh trong quy định về lãi suất ở thời điểm này có thể có nguyên nhân từ sự phát triển tài chính ở thời điểm trước đó, nhưng nếu xem xét tại mộ thời điểm bất kỳ, quy định về lãi suất là không thay đổi, và quy định này sẽ tác động tới diễn biến của thị trường tài chính, và dẫn tới sự biến động về mức độ phát triển tài chính. Trong ngắn hạn, và nhất là trong các nền kinh tế có sự áp chế tài chính, những quy định về lãi suất trực tiếp ảnh hưởng tới thu nhập (từ gửi tiết kiệm) của dân cư hoặc chi phí (lãi suất cho vay) của bên đi vay. Trong trường hợp này, nhân tố thể chế là một sự áp đặt, có trước và không phụ thuộc vào sự phát triển tài chính, nhưng nó ảnh hưởng tới phát triển tài chính và thu nhập. Do vậy, thể chế có thể coi là yếu tố ảnh hưởng, không phải là kênh tác động như trường hợp yếu tố đầu tư.
Tương tự, mô hình kinh tế ở mỗi quốc gia khác nhau là khác nhau; và trong ngắn thường là mô hình xác định có tính cứng nhắc, không thay đổi theo sự thay đổi của phát triển tài chính. Mô hình kinh tế ở các quốc gia khác nhau dẫn tới cách thức phân bổ nguồn lực có sẵn trên thị trường tài chính là khác nhau, tạo ra tăng trưởng và phân phối thu nhập cũng khác nhau. Vì thế, mô hình kinh tế có thể coi là nhân tố ảnh hưởng tới tác động của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập.
2.4.1 Thu nhập
Thu nhập là kênh tác động trực tiếp của phát triển tài chính tới bất bình đẳng thu nhập, và được xem xét từ khía cạnh vi mô. Giả định phân chia toàn bộ dân số theo 5 nhóm thu nhập, sự khác biệt ở mức thu nhập bình quân trong các nhóm này sẽ có biết một cách khái quát mức độ bất bình đẳng thu nhập (như mô tả trong đường cong Lorenze đã trình bày trong Hình 2.1). Thu nhập của mỗi nhóm có thể có từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn: tiền lương/công, tài sản
thừa kế, thu hoạch mùa màng, đầu tư sản xuất, trợ cấp xã hội, tiền của người thân cho/biếu, và từ gửi tiết kiệm/đầu tư tài chính (mua bán cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá và đầu tư tài chính khác), gọi chung là thu nhập từ lãi suất. Vì thế, vào một thời điểm xác định nào đó, bất bình đẳng đã tồn tại, nhưng nếu giả định rằng các nguồn thu nhập của các nhóm này không đổi theo thời gian, hoặc thay đổi (tăng hoặc giảm) ở cùng một tốc độ, thì bất bình đẳng sẽ không thay đổi. Nếu giả định rằng nếu các nguồn thu nhập không đổi (hoặc thay đổi những tốc độ thay đổi của các nhóm là giống nhau) ngoại trừ thu nhập từ lãi suất, thì sự thay đổi về mức độ bất bình đẳng sẽ chủ yếu do tác động của phát triển tài chính. Khi đó, nếu thu nhập từ lãi suất của các nhóm giàu hơn là lớn hơn khoản thu tương tự của các nhóm nghèo hơn, thì phát triển tài chính sẽ có tác động làm tăng bất bình đẳng thu nhập, và ngược lại.
Ngoài ra, phát triển tài chính ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các cá nhân để sản xuất và kinh doanh; trong đó nguồn cung tín dụng trên thị trường tài chính về cơ bản có nguồn gốc từ tiết kiệm của hộ gia đình, doanh nghiệp và/hoặc của chính phủ, trong đó bên gửi tiền thực chất là bên cho vay thông qua một kênh trung gia tài chính và hưởng lãi suất cho vay bằng với lãi suất tiết kiệm. Bên đi vay phải trả một chi phí giao dịch và lãi suất vay, nhưng bù lại sẽ hưởng lợi từ thu nhập do việc sử dụng khoản vay mang lại. Sự tương tác giữa bên cho vay và đi vay sẽ dẫn tới sự thay đổi trong phân phối thu nhập tùy thuộc vào lợi ích và từng đối tượng được hưởng. Một cá thể kinh tế (hộ gia đình/doanh nghiệp) có thể lựa chọn tham gia thị trường trong vai trò của người cho vay hoặc người đi vay; điều này được quyết định bởi hành vi tối đa hóa lợi ích của từng cá thể. Một cách khái quát, sự biến động trong phân phối thu nhập hay bất bình đẳng có thể bị ảnh hưởng bởi sự tác động thông qua kênh thu nhập, mà thu nhập này liên quan trực tiếp tới việc tham gia thị trường tài chính của cá thể kinh tế trong vai trò của bên đi vay hay bên cho vay. Giả định các nguồn thu nhập khác không đổi (hoặc thay đổi với tốc độ giống nhau giữa các nhóm thu nhập), thu nhập của khoản vay thường sẽ lớn hớn thu nhập từ lãi suất tiết kiệm,
nên nếu đa số người giàu đóng vai trò đi vay và đa số người nghèo hơn đóng vai trò là bên cho vay, thì sự có mặt của thị trường tài chính có thể làm gia tăng bất bình đẳng. Ngược lại, nếu số đông người đi vay là nhóm nghèo và số đông người cho vay là nhóm giàu, bất bình đẳng thu nhập có thể thu hẹp lại, nhưng không nhất thiết và không chắc chắn loại bỏ được sự khác biệt về thu nhập.
Mặc dù vậy, thu nhập cũng có thể đóng vai trò của yếu tố ảnh hưởng. Giả định tại một thời điểm, các cá nhân trong một nền kinh tế có các mức thu nhập khác nhau. Và ngay cả khi chưa có thị trường tài chính, sự khác nhau về thu nhập như vậy cấu thành mức độ bất bình đẳng. Sau đó, giả định khi thị trường tài chính xuất hiện, những người chứng minh được có nguồn thu nhập ổn định và cao thì sẽ dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn so với người có thu nhập thấp. Hoặc người có thu nhập cao cũng có thể dùng một phần thu nhập để đầu tư tài chính. Trong trường hợp như vậy, khoản thu nhập của người này ở vào thời kỳ sau (tạo ra bởi khoản vay hay khoản đầu tư tài chính) là nhờ vào việc họ có thu nhập cao ở thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, nếu giả định rằng việc vay được vốn từ ngân hàng không là không phụ thuộc vào điều kiện thu nhập, thì thu nhập không phải là yếu tố ảnh hưởng.