6. Cấu trúc của luận án
2.5.1 Mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô
Tại thời điểm ban đầu của một nền kinh tế, bất bình đẳng vốn đã tồn tại, và mô hình tăng trưởng của một quốc gia có thể ảnh hưởng tới quá trình phân phối thu nhập. Nếu một mô hình tăng trưởng tạo ra lượng việc làm trong khu vực chính thức thấp hơn nhiều so với khu vực phi chính thức, cùng với đó thị trường tài chính hỗ trợ mạnh mẽ cho khu vực chính thức, thì bất bình đẳng nhiều khả năng sẽ tăng lên. Tương tự, nếu một mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động kỹ năng thấp hơn là thâm dụng vốn và lao động kỹ năng cao, thì cơ hội thu nhập có thể sẽ được phân phối đồng đều hơn cho mọi tầng lớp dân cư, cùng với đó thị trường tài chính được điều tiết hướng vào khu vực sản xuất kỹ năng thấp nhiều hơn thì có thể làm giảm tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Bên cạnh đó, xu thế chung của kinh tế toàn cầu là coi khu vực KTTN là chủ đạo, nên nếu một mô hình tăng trưởng lấy kinh tế nhà nước (KTNN) là chủ đạo, và các chính sách có thiên hướng điều tiết các nguồn lực kinh tế vào khu vực KTNN, thì bất bình đẳng có thể gia tăng sau một chu kỳ tăng trưởng. Điều này là bởi khu vực KTNN thông thường chỉ giải quyết một lượng việc làm rất
thấp, nên thu nhập của người trong khu vực này thường cao hơn khu vực ngoài nhà nước.
Mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô có quan hệ mật thiết với nhau. Một mô hình phù hợp sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, nhưng nếu không phù hợp sẽ tăng cường bất ổn vĩ mô. Trong thời kỳ bất ổn vĩ mô, lạm phát thường tăng cao, rủi ro đầu tư lớn, nên người đầu tư sẽ kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận cao hơn, hệ thống tài chính cũng sẽ đặt ra các chi phí và lãi suất lớn hơn để bù đắp lại các rủi ro có thể gặp phải, cùng với đó hoạt động đầu cơ có thể bùng nổ. Vì thế, những người nghèo nhất sẽ là những người chịu thiệt nhiều nhất, bởi họ không thể tiếp cận ngân hàng, giá trị tài sản và thu nhập thực tế của họ giảm do lạm phát tăng. Vì thế, việc lựa chọn một mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện của một quốc gia và giữ vững ổn định môi trường vĩ mô sẽ là một yếu tố thúc đẩy sự tác động tích cực của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập.