Nguồn gốc múa Cơ Tu

Một phần của tài liệu 13.thuba (Trang 37 - 39)

Múa là một trong những nghệ thuật được ưa thích nhất của tộc người Cơ Tu, có thể nói người Cơ Tu nam hay nữ khi biết chạy nhảy thì đã biết múa. Khi nói đến múa Cơ Tu thì bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến điệu múa: Tung tung Da dá, múa Tung tung (múa nam) và múa Da dá (múa nữ). Cho đến nay, đã xuất hiện một vài bài viết trên báo, tạp chí đề cập về múa Da dá của tộc người Cơ Tu, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự giải thích xác đáng về nguồn gốc của vũ điệu này. Vì mỗi người tiếp cận ở góc độ nhất định như lịch sử nghệ thuật, quản lý văn hóa, dân tộc học, văn hóa học, mỹ thuật, múa... nên nảy sinh nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc, ý nghĩa của vũ điệu này.

Một nghiên cứu về từ nguyên cho thấy Ya ya chính là từ láy của từ ya, từ chỉ người/người đàn bà/mẹ/bà/bà tổ trong ngôn ngữ của nhiều tộc người ở Đông Nam Á vốn có chung cội nguồn. Trong tiếng Cơtu, các biến thể của ya là aye = bà, ya ýa/jaja = mẹ vợ hay mẹ chồng. Tên gọi này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng và tính biểu tượng của điệu múa. Trong tiếng hú gọi tổ tiên của những người xung quanh, người múa ya ýa luôn là đàn bà, trong tâm thức Cơtu được đồng nhất với người mẹ lúa - nữ thần lúa, với con chim mang hồn lúa, với Mặt trời; chuyển động của người múa thành vòng tròn quanh mình và quanh cột lễ theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, tức hướng chuyển động ảo của Mặt

trời; cánh tay của người múa để ngang vai, bàn tay luôn xoè lên trời, nơi trong tâm thức Cơtu là nơi trị vì của Manuih Pleng (Người Trời), tức bà mẹ khởi nguyên, vị thần tối cao Cơtu chủ về sức khỏe, mùa màng và no ấm; tư thế múa ya ýa tương ứng với hình ếch, một biểu tượng của mẹ lúa - Người mẹ khởi nguyên.. [7, tr. 67- 68]

Theo một số nhà nghiên cứu, Da dá liên quan đặc biệt tới một số nghi lễ nông nghiệp. Đó chính là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xoè lên trời cầu xin và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh. Cầu mùa là một nghi lễ nông nghiệp khá phổ biến ở cư dân người Việt và cùng nhiều tộc người khác ở Việt Nam và gắn bó với đời sống của con người. Cầu mùa thể hiện tâm niệm; ước vọng của con người, cầu mong mùa mùa tốt tươi, ấm no, hạnh phúc. múa, hát, khấn tụng là một trong những loại hình nghệ thuật thể hiện nghi lễ cầu mùa.

Theo tác giả Lê Ngọc Canh: “Múa cầu mùa được chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn với động tác múa là hai tay đưa ra phía trước hoặc hai tay giơ cao như tư thế dâng và đội lễ vật. Ngoài ý nghĩa của điệu múa, động tác múa được thể hiện trên trống đồng có vài nét giống với động tác múa Da dá của dân tộc Cơ Tu, nhất là động tác tay” [3, tr. 22].

Khi nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng điệu múa Da dá của người Cơ Tu là điệu múa được rất lâu đời và có thể xem là một trong những điệu múa cổ nhất của loài người. Thời tiền sử, nhiều tộc người đã từng tồn tại điệu múa này nhưng nó đã bị mất đi theo thời gian, chỉ có người Cơ Tu còn lưu giữ cho đến ngày nay. Dấu vết của điệu múa ấy còn lưu lại trong nghệ thuật tạo hình như tranh vẽ, khắc đá, hoa văn trang trí

trên đồ vật chứ không còn thấy xuất hiện trong nghệ thuật diễn xướng. Bằng chứng là, những mô típ hoa văn hình người hoặc hoa văn người đàn bà múa Da dá của người Cơtu và điệu múa ngai răm của người Tà Ôi rất gần gũi với mô tip được gọi là "hình ếch" (frog shaped figures) được thấy trong nghệ thuật của nhiều tộc người khác nhau ở Đông Á, Đông Nam Á và cả ở những người da đỏ thiên di từ Châu Á sang Bắc Mỹ cách đây 20.000 năm. Động tác múa với hai tay giơ lên trời, hai chân dạng ra đối xứng theo trục dọc, từng được người tiền sử thể hiện qua các hình vẽ trên vách hang động thời tiền sử ở Đông Nam Á, như ở hang Pha Deang ở tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan) và hang ở vùng người Choang Quảng Tây - được coi là những hình vẽ của người Lạc Việt [45, tr. 65].

Các nhà nghiên cứu múa cho rằng động tác múa đó bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thời xa xưa. Lễ vật được nâng trên tay hay đội trên đầu là xôi, thịt, hoa, trái... để dâng mừng.

Từ đó có thể xác định rằng, điệu múa Da dá có nguồn gốc từ một điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa gắn với mặt trời - Người mẹ khởi nguyên - Mẹ lúa. Điệu múa này rất cổ và từng được thể hiện qua các hình vẽ trên vách hang động thời tiền sử ở Đông Nam Á.

Một phần của tài liệu 13.thuba (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w