Thực trạng bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu bao gồm cả thực trạng bảo tồn di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn này có xen lẫn giữa cái chung và cái riêng. Để bảo tồn cả hai loại hình di sản văn hóa này trước tiên chúng ta đều thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm. Từ những kết quả nghiên cứu sưu tầm được sẽ tiến hành kiểm kê, tư liêu hóa. Nhưng điều khác biệt ở đây là bảo tồn văn hóa vật thể phải áp dụng công tác bảo quản các hiện vật để tránh bị hư hỏng, ẩm mốc theo thời gian, còn với bảo tồn văn hóa phi vật thể phải thực hiện công tác bảo vệ, khôi phục. Việc khôi phục nghệ thuật múa Cơ Tu đưa vào thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc miền núi để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội vùng cao miền núi nói chung, lợi ích, đời sống thu nhập của dân tộc Cơ Tu nói riêng.
Ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Việc bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào vùng cao cần sự vào cuộc có trách nhiệm các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi. Khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các DTTS cần tuân thủ giá trị truyền thông, bản sắc và không gian văn hóa của đồng bào.
Đông Giang và Nam giang cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động đội ngũ trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xác định công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu có vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập.
Cùng với đó huyện Đông Giang đã thực hiện Nghị quyết 77/2008/NQ - HĐND ngày 31/12/2008 về “Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu giai đoạn 2009 - 2015”, các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu.