Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Tỉnh Quảng Nam là một trong những nơi có kinh tế, văn hóa xã hội đang phát triển của khu vực miền trung Tây Nguyên. Quảng Nam là một trong những điểm đến khá hấp dẫn với khách du lịch từ khắp nơi đến thăm quan. Điều đó mang đến nhiều thay đổi.
Trước kia cuộc sống của đồng bào miền núi chỉ quanh quẩn trong làng trong bản. Lương thực, thực phẩm của họ là tự cung, tự cấp tự phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Khi đất nước đổi mới trong quá trình giao lưu cùng với phát triển kinh tế, giao lưu hợp tác quốc tế về mọi mặt trong đó có văn hóa phát triển mạnh mẽ. Sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm văn hóa cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao việc tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của người dân. Có nhiều hình thức giải trí trên các phương tiện thông tin truyền thông nhất là truyền hình, đặc biệt là thông tin đa chiều đa dạng trên internet giúp cho mọi người, mọi tầng lớp có thể lựa chọn và thưởng thức. Tuy nhiên trong sự giao lưu văn hóa quốc tế hiện nay ngoài những sự tích cực mà nó mang lại cũng còn đó những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng.
Múa Cơ Tu thực sự trong những năm gần đây đã có mặt hầu hết trong các lễ hội hiện đại. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, thậm chí trong nhiều chương trình lễ hội hiện đại quy mô cấp quốc gia. Phải thừa nhận rằng, múa Cơ Tu đã góp phần tạo nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn khi nó tồn tại trên các chương trình. Tuy nhiên, khi đưa múa Cơ Tu vào
chương trình lễ hội hiện đại do không xác định rõ vai trò mục đích khi tham gia, đồng thời qua tư duy của các nhà biên đạo thiếu kinh nghiệm đã làm biến chất của múa Cơ Tu. Không ít hiện tượng người xem (khán giả) chỉ còn nhận biết múa Cơ Tu qua trang phục hoặc lời bình của chương trình. Như vậy, múa Cơ Tu đã đánh mất phẩm chất của minh khi tham gia vào lễ hội hiện đại.
Sự ảnh hưởng đó đã tác động vào tư tưởng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ nhất là lớp trẻ. Họ ít coi trọng văn hóa, văn nghệ truyền thống, họ thích “sính” ngoại, chạy theo mốt âm nhạc hiện đại như pop, rock, dance, hiphop, múa hiện đại… cùng với đó là lối sống buông thả và họ đã dần đánh mất những giá trị đạo đức truyền thống của chính dân tộc mình. Nói như thế không phải tất cả lớp trẻ bây giờ là như vậy, vấn đề cần đặt là cần phải có sự giáo dục về ý thức cho lớp trẻ. Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là việc tiếp cận những tinh hoa văn hóa thời đại để làm phong phú cho văn hóa của chúng ta.
Chúng tôi nghĩ rằng, cho dù múa Cơ Tu tham gia vào bất kỳ hình thức nghệ thuật nào, bất cứ một lý do mục đích nào cũng không được đánh mất bản sắc dân tộc của mình. Đây là một nguyên tắc đồng thời là một trách nhiệm đối với các nhà quản lý, tổ chức, biên đạo, thậm chí cả diễn viên.
Khi về với những buôn làng của người dân vùng cao Quảng Nam, tôi thấy vui và xúc động khi xem các em nhỏ khoảng độ từ 10 - 15 tuổi vẫn chăm chỉ rèn luyện những động tác múa của dân tộc mình mà lòng tự nhủ: vốn cũ của cha ông nay lại được ươm mầm và tạo nên sức sống mới trong thế hệ trẻ hôm nay. Đây là một tín hiệu tích cực mà chúng ta thấy lạc quan hơn trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam. Nhưng nó cũng có những không ít những thách thức khó khăn đòi hỏi cơ
quan quản lý nhà nước về văn hóa mà đại diện là Sở VHTH&DL tỉnh Quảng Nam cần có những định hướng và có những giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu của Quảng Nam nói riêng.