Vào lễ, mở đầu là lễ cầu an. Bài cầu an có đoạn: “Lạy trời cao, lạy đất rộng, lạy núi rừng, lạy suối sông. Lạy linh hồn ông, lạy linh hồn bà. Hôm nay đây từ trẻ đến già, xin dâng lễ thần linh. Cầu xin thần linh cho dân làng ấm no, sung sướng”. Khi tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã cũng là lúc dân làng nhịp nhàng tham gia điệu múa Tung tung Da dá, đây là một hình thức kết hợp múa giữa nam và nữ.
Có một nguyên tắc khi trình diễn Tung tung Da dá là sau khi dàn trống chiêng vang lên "ting toàng… ting toàng… tư tư… tư tư… từng… từng…", bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái mới đến lượt con trai nối tiếp. Nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Điệu múa Tung tung Da dá sắp xếp đi trước là nữ, đi sau là nam; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Phải chăng, chính điều này nói lên rằng, tộc người Cơ Tu dành cho đàn bà con gái sự "ưu tiên" hơn cả. Ngay trong gia đình, khi hai vợ chồng đi làm, trên đường ra nương rẫy, người vợ vẫn luôn là người đi trước.
Để tham gia múa Da dá, người phụ nữ Cơ Tu mặc váy dài, dệt bằng thổ cẩm có hoa văn sinh động và hài hòa. Trên cổ có thể đeo các loại trang sức, như vòng hạt, mã não... Hai cánh tay đưa lên ngang vai. Hai cổ tay vuông góc với cánh tay và song song với thân người. Bàn tay xòe và ngửa lên trời. Chân để trần, miệng luôn mỉm cười, thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng. Cả đội múa nhún nhảy hông bằng một động tác chậm rãi và đều đặn, trong khi đó, những người phụ nữ khác đứng xung quanh, hú vang cổ vũ như gọi mời tổ tiên và thần linh về chứng giám. Điệu múa Da dá mềm mại, uyển chuyển bao nhiêu thì điệu múa Tung tung lại dứt khoát, khỏe
khoắn bấy nhiêu. Khi tham gia múa, nam thanh niên Cơ Tu đóng khố thổ cẩm, trên vai còn đeo tấm choàng cũng dệt bằng thổ cẩm, chân đi đất, tay nắm chắc những vũ khí, như khiên, dao, mác... Hỗ trợ cho đội múa là những người đàn ông khác mang các nhạc cụ, như trống dài, chiêng..., vừa gõ vừa có những động tác biểu diễn, như cúi khom lưng, rồi vặn cơ thể mạnh mẽ đầy chất tâm linh.