Trong nếp sống hằng ngày, người Cơ Tu bộc lộ tinh thần tương thân, tương trợ trong phạm vi làng và tuân thủ luật tục của làng, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và với các cộng đồng dân tộc khác.
Do sống ở vùng cao cách trở nên trong đời sống, đồng bào dân tộc Cơtu rất chú trọng đến yếu tố cộng đồng. Bởi đó là sức mạnh để họ chống chọi với thiên tai, địch họa và thú rừng. Họ dựa vào nhau để sống, để tìm kế sinh nhai, để tồn tại trước khắc nghiệt của môi trường sống. Có thể nói, yếu tố cộng đồng đầy tính nhân văn, nhân bản ấy, đã ăn sâu vào tâm thức của người Cơ Tu để rồi dần hình thành phong tục ăn mừng lúa mới, cùng sinh hoạt lễ hội đâm trâu và cùng sum vầy ăn uống khi trong làng có người đi săn được thú rừng. Trong sự yên vắng, bình dị của mỗi làng, hễ cứ nghe tiếng chiêng, tiếng trống vang lên có lẽ là lúc dân làng đón nhận tin vui hay buồn (tùy theo mỗi điệu và nhịp trống) và mọi người đều phải bỏ dở việc làm để chạy về ngôi nhà chung. Tộc người Cơ Tu sống trung thực, thẳng thắn, công bằng, kính trên nhường dưới (thể hiện ở sự tôn trọng già làng, người có uy tín trong cộng đồng hay kể cả việc chia sản phẩm làm ra cho đứa trẻ còn trong bụng mẹ). Trong hành vi và quan niệm của họ, những chuẩn mực được phân định tuyệt đối theo thái cực đối lập: tốt - xấu, đúng - sai, có - không. Đây cũng là triết lý của người Cơ Tu trong hành vi, lối ứng xử hằng ngày của mình.