Phương thức tuyển dụng công chức tại sở nội vụ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TẠI SỞ NỘI VỤ TỈNH LẠNG SƠN (Trang 25 - 32)

Việc tuyển dụng công chức hiện nay được thực hiện dưới bốn phương thức: thi tuyển; xét tuyển; tiếp nhận đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên. Tại sở nội vụ thực hiện đầy đủ các bước đối với hai phương thức là thi tuyển và tiếp nhận đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức; đối với phương thức tuyển dụng xét tuyển không thực hiện và đối với phương thức xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên chỉ thực hiện trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

1.2.5.1. Thi tuyển

Phương thức thi tuyển áp dụng đối với công chức loại C và D và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Hình thức thi tuyển: thi trắc nghiệm, thi viết, vấn đáp.

Thi tuyển công chức tuy có nhiều hình thức thi nhưng vẫn phải đảm bảo các nội dung của từng môn thi phù hợp với chuyên ngành và lĩnh vực cần tuyển dụng để đảm bảo tuyển dụng được người đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của vị trị cần tuyển.

Các môn thi của phương thức thức thi tuyển

Tuyển dụng qua phương thức thi tuyển thực hiện thi bốn môn, cụ thể:

Các môn điều kiện bao gồm: tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga hoặc tiếng dân tộc thiểu số) cụ thể:

- Môn Tin học: hình thức thi thực hành trên máy hoặc thi trắc nghiệm; thời gian thi là 30 phút đối với công chức loại D và 45 phút đối với công chức loại C. Nội dung thi theo yêu cầu của vị trí việc làm.

- Môn Ngoại ngữ: hình thức thi viết, thời gian thi là 60 phút đối với công chức loại D và 90 phút đối với công chức loại C; hình thức thi vấn đáp cho cả công chức loại C và D là 15 đến 30 phút. Nội dung thi các thứ tiếng Anh, pháp, Đức, Nga, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Các môn tính điểm để xét trúng tuyển bao gồm: kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, cụ thể:

- Môn kiến thức chung: hình thức thi viết, thời gian thi là 180 phút đối với công chức loại C, 120 phút đối với công chức loại D. Nội dung thi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính nhà nước, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng.

- Môn nghiệp vụ chuyên ngành: thi 02 phần là thi viết và trắc nghiệm. Thời gian thi viết 180 phút đối với công chức loại C, 120 phút đối với công chức loại D. Thi trắc nghiệm 45 phút đối với công chức loại C và 30 phút đối với công chức loại D. Nội dung thi phải căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, nếu có nhiều vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau nhau thì phải xây dụng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau.

Thang điểm và hệ số tính điểm

Thang điểm cho tất cả các môn thi là 100 điểm và hệ số tính điểm từng môn thi như sau:

Các môn điều kiện: tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc, điểm các môn thi này không được tính vào tổng điểm thi để xét trúng tuyển.

Các môn tính điểm để xét trúng tuyển: môn kiến thức chung nhân hệ số 1. Môn nghiệp vụ chuyên ngành bài thi viết nhân hệ số 2, bài thi trắc nghiệm nhân hệ số 1.

Điểm trúng tuyển = KTC + (Viết NVCN x 2) + Trắc nghiệm NVCN + Ưu tiên (nếu có).

Cách xác định người trúng tuyển

- Người trúng tuyển được xác định như sau: Có đủ các bài thi của các môn thi; có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì người có điểm bài thi trắc nghiệm môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

- Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Ưu điểm của phương thức thi tuyển: việc tổ chức thi tuyển sẽ đánh giá một cách khách quan nhất về năng lực, trình độ, tư duy của các thí sinh tham dự tuyển, tạo sự cạnh tranh công bằng nhất đối với các thí sinh, đồng thời đánh giá được các thí sinh ở nhiều lĩnh vực, kiến thức như kiến thức chung về kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và các nội dung trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; kiến thức chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; kiến thức về tin học, ngoại ngữ bổ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ sau này của công chức.

Hạn chế của phương thức thi tuyển: thi tuyển có một số điểm còn chưa thực sự hợp lý, cụ thể: để tổ chức được một kỳ thi tuyển công chức thì tốn nhiều thời gian (bắt đầu từ khâu đề xuất nhu cầu tuyển dụng cho đến khi có quyết định tuyển dụng thời gian thực hiện khoảng 3 tháng đến 6 tháng); chi phí để phục vụ kỳ thi tuyển khá cao, đòi hỏi phải có đủ nguồn nhân lực để phục vụ thi tuyển mà hầu hết là các công chức kiêm nhiệm (ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao về thi tuyển các công chức vẫn phải thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày); thời gian cho các thí sinh ôn thi còn ngắn do vậy phần nào chưa thể phản ánh được năng lực thực sự của thí sinh; các lĩnh vực, chuyên ngành cần tuyển nhiều, đa dạng đòi hỏi Hội đồng thi phải chuẩn bị nhiều đề thi, Hội đồng thi phải thực hiện nhiều bước, chuẩn bị nhiều tài liệu có liên quan trong một thời gian nhất định theo quy định.

Xét tuyển là việc tuyển dụng thông qua việc kiểm tra kết quả học tập và phỏng vấn về năng lực trình độ của thí sinh. Xét tuyển là phương thức được sử dụng trong trường hợp có thí sinh cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hình thức của xét tuyển

- Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm của người đăng ký dự tuyển đã đăng ký tại hồ sơ đăng ký dự tuyển. Xét kết quả học tập của người dự tuyển.

- Kiểm tra, sát hạch để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn của người dự tuyển thông qua phỏng vấn.

Thời gian thi, thang điểm và hệ số tính điểm

Điểm học tập của người dự tuyển là trung bình cộng của tất cả các môn học trong bảng điểm tính theo thang điểm 100 và nhân hệ số 2. Điểm tốt nghiệp là trung bình cộng của tất cả các bài thi tốt nghiệp của người dự tuyển hoặc điểm luận văn tốt nghiệp của người dự tuyển tính theo thang điểm 100. Điểm phỏng vấn tính theo thang điểm 100 và thời gian phỏng vấn 30 phút. Kết quả điểm xét tuyển là tổng của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn và điểm ưu tiên.

Điểm trúng tuyển = (TBC Môn học x 2) + TBC điểm TN + Điểm PV + Ưu tiên (nếu có).

Cách xác định người trúng tuyển

- Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau đây: có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm học tập bằng nhau thì người có điểm tốt nghiệp cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn

chưa xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

- Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.

Ưu điểm của phương thức xét tuyển: xét tuyển công chức là hình thức tuyển dụng được đánh giá là gọn, nhẹ, không tốn thời gian, chi phí và nhân lực bằng hình thức thi tuyển, là hình thức tuyển dụng xem xét một cách kỹ lưỡng nhất về trình độ của người dự tuyển có phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng hay không.

Hạn chế của phương thức xét tuyển: tuy xét tuyển có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng vẫn tồn tại hạn chế đó là xét tuyển chỉ thực hiện qua kiểm tra phỏng vấn về năng lực trình độ chuyên môn không đánh giá được toàn diện thí sinh như hình thức thi tuyển và quan trọng nhất là hình thức phỏng vấn là hình thức mang tính chất kiểm tra trực tiếp nhất của cả kỳ thi nhưng đôi khi còn chưa khách quan.

1.2.5.3. Tiếp nhận đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức

Tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức là hình thức tuyển dụng áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể như: người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng (đối với trường hợp này đã ủy quyền cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện triển khai thực hiện, sở nội vụ chỉ tổng hợp, thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh khi có kết quả cuối cùng).

Nội dung, hình thức của tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức

Kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; sát hạch (phỏng vấn) về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Mỗi đề phỏng vấn

gồm ba câu hỏi và đáp án.

Thời gian phỏng vấn, thang điểm và hệ số tính điểm: thời gian phỏng vấn không quá 30 phút, thang điểm 100. Điểm phỏng vấn chính là kết quả điểm tính để xét trúng tuyển. Điểm phỏng vấn được tính như sau:

Điểm phỏng vấn = Điểm câu KTC + Điểm câu NVCN + Điểm câu mở rộng. (tối đa 40 điểm) (tối đa 40 điểm) (tối đa 20 điểm)

Cách xác định người trúng tuyển:

- Người trúng tuyển trong kỳ tiếp nhận công chức phải có đủ các điều kiện sau đây: có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển; có kết quả sát hạch (phỏng vấn) đạt từ 50 điểm trở lên và cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả sát hạch (phỏng vấn) bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

- Người không trúng tuyển trong kỳ tiếp nhận công chức không được bảo lưu kết quả cho các kỳ tiếp nhận lần sau.

Ưu điểm của phương thức tiếp nhận công chức : tuyển dụng thông qua hình thức tiếp nhận đối với trường hợp đặc biệt có tính ưu việt về thời gian thực hiện nhanh chóng, gọn nhẹ, tuyển được những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác và thực hiện tốt chính sách ưu tiên đối với con em ở địa phương.

Hạn chế: hình thức phỏng vấn đôi khi mang tính chủ quan nhiều hơn.

1.2.5.4. Xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên

Đây là hình thức chỉ áp dụng đối với một đối tượng đặc biệt đó là cán bộ, công chức cấp xã có kinh nghiệm công tác đủ 05 năm trở lên, đáp ứng đủ các điều

kiện, yêu cầu về vị trí dự tuyển, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và không trong thời gian bị kỷ luật hoặc xem xét kỷ luật.

Nội dung và hình thức của xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên: kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của người đề nghị xét chuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; sát hạch (phỏng vấn) về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người đề nghị xét chuyển. Mỗi đề phỏng vấn gồm có ba câu hỏi và đáp án.

Thời gian phỏng vấn, thang điểm và hệ số tính điểm của xét chuyển: thời gian phỏng vấn không quá 30 phút, thang điểm 100. Điểm phỏng vấn chính là kết quả điểm tính để xét trúng tuyển.

Điểm phỏng vấn = Điểm câu KTC + Điểm câu NVCN + Điểm câu mở rộng. (tối đa 40 điểm) (tối đa 40 điểm) (tối đa 20 điểm)

Cách xác định người trúng tuyển:

- Người trúng tuyển trong kỳ xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên phải có đủ các điều kiện sau đây: có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển; có kết quả sát hạch (phỏng vấn) đạt từ 50 điểm trở lên và cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả sát hạch (phỏng vấn) bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

- Người không trúng tuyển trong kỳ xét chuyển cán bộ, công chức xã thành công chức cấp huyện trở lên không được bảo lưu kết quả cho các kỳ xét chuyển lần sau.

Ưu điểm của phương thức xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên: tuyển dụng được những người đáp ứng được yêu cầu

của vị trí việc làm cần tuyển đồng thời tuyển được người có kinh nghiệm công tác đáp ứng được ngay yêu cầu công việc.

Hạn chế của phương thức xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên: số lượng chỉ tiêu để tuyển dụng và số lượng cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng được các yêu cầu về vị trí việc làm cần tuyển ít.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TẠI SỞ NỘI VỤ TỈNH LẠNG SƠN (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w