Ảnh hưởng trực tiếp: Khi một nhân viên nghỉ việc thì công ty cần phải tốn nhiều loại chi phí. Chi phí này bao gồm chi phí cho tuyển dụng, chi phí cho đào tạo nhân viên, sự tổn thất về mặt quan hệ xã hội của công ty, sự suy giảm năng suất tạm thời và sự mất mát những kiến thức ngầm quan trọng của công ty. Những chi phí này là khoản tổn thất không nhỏ đối với một tổ chức khi nhân viên nghỉ việc.
Ảnh hưởng gián tiếp: Khi các nhân viên nghỉ việc sẽ gây ra việc thiếu hụt nhân sự có chuyên môn và kinh nghiệm, làm giảm hiệu suất công việc và làm gián đoạn hoạt động của một dự án. Mặt khác, nó còn trực tiếp ảnh hưởng
đến tinh thần làm việc của những lao động khác. Bên cạnh đó, những người nghỉ việc sẽ có cảm nhận không tốt về môi trường làm việc tại tổ chức cũ, điều này sẽ được truyền ra bên ngoài thông qua nhiều kênh thông tin làm giảm uy tín và thương hiệu của tổ chức. Ngoài ra, khi một số nhân viên giỏi hoặc các nhân sự cấp cao, các quản lý chuyển sang làm cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của tổ chức cũ thì những kinh nghiệm đã tích lũy, thông tin tình hình kinh doanh cũng như những chính sách, khách hàng thân thiết của tổ chức cũng có nguy cơ bị chia sẻ ra bên ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty và là điểm thuận lợi cho đối thủ cạnh tranh.
Nghỉ việc làm cho thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoại trừ các yếu tố như giá cả, chất lượng,… thì khách hàng lựa chọn mua hàng chủ yếu nhờ vào mối quan hệ của họ với nhân viên công ty đó. Khi đã thân quen hơn thì việc mua bán trở nên dễ dàng và dẫu có sai sót cũng sẽ dễ được bỏ qua. Ngược lại, khi người phụ trách thay đổi liên tục dễ khiến họ nghi ngờ về tính ổn định, uy tín và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Thậm chí, lý do đôi khi chỉ đơn giản là không có người phục vụ họ ngay lập tức do nhân viên của bạn quá bận khi phải tiếp nhận các khách hàng của người đồng nghiệp đã nghỉ trước đó.
Vấn đề tiếp theo là kết quả kinh doanh. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng khi tỷ lệ nghỉ việc quá cao sẽ ảnh hưởng đến 400% lợi nhuận của doanh nghiệp. Nghiên cứu này đã tiến hành xem xét các chi nhánh khác nhau của một công ty dịch vụ hỗ trợ tạm thời. Các chi nhánh có tỷ lệ thôi việc ở mức cao nhất có xu hướng sinh lợi thấp hơn bốn lần so với chi nhánh có tỷ lệ nghỉ việc ở mức thấp nhất.
Nếu doanh nghiệp có thể cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên thì đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Với một nhân viên nghỉ việc, công ty có thể phải chi tiêu tới 2 – 3 lần mức lương của nhân viên đó để tìm kiếm nhân sự phù hợp thay thế. Đó là chưa tính tới nhân viên mới cần có thời gian thích nghi, đào tạo,…để thành thạo được công việc hiện tại và đạt năng
suất kỳ vọng. Do đó, bằng cách giữ chân nhân viên cũ, công ty có thể tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể này.